Nguy cơ cúm gia cầm H5N1 xâm nhập Việt Nam rất gần

Sau khi Campuchia ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm gia cầm (A/H5N1), Viện Pasteur TP HCM đã có công văn khẩn gửi sở y tế 20 tỉnh, thành phía Nam đề nghị tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan đến cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1.

Sự lây truyền các chủng virus cúm A giữa các loài. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.

Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B. Tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%.

Nhận định về nguy cơ ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 tại Việt Nam, một chuyên gia dịch tễ cho biết nguy cơ xâm nhập ca bệnh là có thể giống như với các bệnh truyền nhiễm khác.

Hơn nữa, thời gian qua tại một số địa phương vẫn ghi nhận rải rác các ổ dịch trên gia cầm. Do đó, các địa phương cần chủ động theo dõi sự biến đổi của virus cúm A/H5N1 mà trước tiên là giám sát dịch cúm trên gia cầm.

“Nếu có dịch trên gia cầm cần dập dịch nhanh chóng, không để bùng phát. Vì khi dịch bùng phát trên gia cầm thì nguy cơ virus lây lan sang người cũng dễ dàng hơn, do gia cầm được chăn nuôi gần với nơi sinh sống của người” – chuyên gia dịch tễ này lưu ý.

Không chế biến, sử dụng gia cầm bị ốm, chết

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác với dịch cúm gia cầm, nếu một chủng cúm gia cầm có biến đổi về mặt di truyền có thể lây lan dễ dàng từ người sang người, thì có thể gây ra một đại dịch mới. Do vậy, về mặt phòng dịch, cộng đồng phải luôn cảnh giác trước dịch cúm gia cầm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, cúm gia cầm chỉ lây nhiễm từ gia cầm và các loài chim hoang dã sang người. Do vậy, để tránh lây nhiễm cúm gia cầm, người dân cần lưu ý, khi phát hiện gà, vịt ốm chết thì không tiếp xúc, không chế biến và ăn gia cầm bị ốm, chết.

“Gia cầm nuôi như gà, vịt… bị ốm, chết phải được tiêu hủy. Những người chăn nuôi, giết mổ gia cầm cần có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước khi ăn và tránh những sản phẩm từ gia cầm chưa được nấu chín như tiết canh…”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Để phòng, chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh; không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.

Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Trường hợp xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Trước đó, liên quan đến dịch bệnh cúm gia cầm, ngày 17.10.2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ). 

Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2.2014 đến nay. Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Theo Thùy Linh

Link gốc: https://laodong.vn/y-te/nguy-co-cum-gia-cam-h5n1-xam-nhap-viet-nam-rat-gan-1151901.ldo