Nghệ An: Trạm trộn bê tông không phép thách thức chính quyền địa phương!

Công ty CP xây dựng thương mại Hoàng Long được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mỏ đá xây dựng Lèn Muỗi, xã Giang Sơn Tây và xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Không chỉ khai thác đá, Công ty này ngang nhiên xây dựng trạm trộn bê tông, bể chứa nước không phép trong phạm vi mỏ đá....

Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Hoàng Long (gọi tắt Công ty Hoàng Long) có địa chỉ tại xóm 7, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Chủ sở hữu và là người đại diện pháp luật của Công ty là ông Trần Xuân Long, vốn điều lệ của Công ty là 10 tỷ đồng. Công ty hiện tại đang khai thác khoáng sản (đá làm vật liệu xây dựng thông thường) tại Lèn Muỗi, xã Hồng Sơn và xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, Nghệ An, diện tích được cấp phép là 9,9289 ha.

Tuy nhiên bất chấp những quy định về pháp luật, Công ty Hoàng Long tự ý đặt trạm trộn bê tông và bể chứa nước ngay trên mỏ đá được cấp phép và hoạt động trong thời gian dài.

Trạm trộn bê tông không phép vẫn ung dung hoạt động?

Theo người dân địa phương cho biết, nhiều năm qua, nhu cầu xây dựng tăng cao khiến Công ty này liều lĩnh tìm cách lắp đặt, xây dựng trạm trộn bê tông trong phạm vi mỏ đá mà bỏ qua các quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Theo tìm hiểu của PV, tại Kết luận số 2619/KL.UBND ngày 24/12/2021 của UBND huyện Đô Lương về kiểm tra việc khai thác, chế biến, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với Công ty Hoàng Long đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế. Đồng thời yêu cầu Công ty tiến hành hợp đồng với công ty xử lý môi trường về việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt thông thường; Yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm túc biện pháp khắc phục hậu quả trong tổ chức khai thác khoáng sản không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ (thời gian khắc phục hậu quả trước ngày 30/5/2022);

Ngừng thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, trường hợp cấp có thẩm quyền không cho phép thì tiến hành tháo dỡ các công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định (thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2022); Công ty Hoàng Long đã lấn 7.744,8 m2 đất chưa sử dụng do UBND xã Hồng Sơn quản lý để tập kết khoáng sản (đá) nên bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trả lại diện tích đất chưa sử dụng đã lấn cho UBND xã Hồng Sơn quản lý, và tháo dỡ công trình tạm đã dựng nằm ngoài phạm vi cho thuê đất…

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra kiến nghị Chủ tịch UBND huyện và các ban, ngành ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 169 triệu đồng.

Đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm về những vi phạm của trạm trộn bê tông này.

Tuy nhiên, Công ty Hoàng Long vẫn không thực hiện hết các nội dung theo Kết luận.

Đến ngày 19/7/2022, UBND huyện Đô Lương chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Hồng Sơn trực tiếp kiểm tra và tiếp tục yêu cầu: Công ty Hoàng Long thực hiện nghiêm túc biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 3252/QĐ XPVPHC ngày 26/11/2021 của UBND huyện Đô Lương về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản về hành vi tổ chức khai thác khoáng sản không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ (khắc phục hậu quả xong mới được tiếp tục khai thác); Ngừng thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (trạm trộn và bể chứa nước), trường hợp cấp có thẩm quyền không cho phép thì tiến hành tháo dỡ các công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định (thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2022);

Đối với phần diện tích 7.744,8 m2 đất chưa sử dụng do UBND xã Hồng Sơn quản lý để tập kết khoáng sản đá: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trả lại diện tích đất chưa sử dụng đã lấn cho UBND xã Hồng Sơn quản lý, hoàn thành trước ngày 10/10/2022. Nếu công ty Hoàng Long chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả các nội dung nếu trên nhưng vẫn cố tình thực hiện khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản thì UBND huyện sẽ báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

Đáng nói, đến cuối năm 2022, Công ty Hoàng Long vẫn ngang nhiên không chấp hành các biện pháp khắc phục trên. Ngày 30/12/2022, UBND xã Hồng Sơn gửi báo cáo cho huyện Đô Lương về việc khắc phục các lỗi vi phạm của công ty này, cụ thể: Việc xây dựng trạm trộn và bể chứa nước vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và cấp phép, và chưa tháo dỡ trạm trộn, bể chứa nước; Việc khắc phục diện tích lấn chiếm 7.744,8 m2 đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý vẫn chưa lập thủ tục thuê đất. Về hiện trạng đã thu dọn 4.500m2, phần còn lại vẫn tập kết vật liệu, chưa trả lại mặt bằng ban đầu trước khi vi phạm. Đồng thời xã kiến nghị huyện tiếp tục kiểm tra để đôn đốc thực hiện và xử lý theo thẩm quyền.

Trạm trộn bê tông không có giấy phép nhưng không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay vẫn không bị tháo dỡ?

Ông Bùi Đăng Thu, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết, chính quyền xã đã thành lập đoàn kiểm tra vào kiểm tra việc Công ty Hoàng Long thực hiện kết luận của huyện, giao cho Công ty tháo dỡ công trình trạm trộn và bể chứa nước.

“Tôi giao cho anh em kiểm tra liên tục, nếu phát hiện công ty hoạt động là tiến hành xử lý ngay lập tức. Còn vấn đề tháo dỡ, trong tuần chính quyền sẽ mời ông Long, Giám đốc công ty lên làm việc để giao kết thời gian tháo dỡ công trình trái phép này”, ông Thu nói.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao trạm bê tông này bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường, hoạt động không phép và buộc yêu cầu tháo dỡ mà đến nay Công ty Hoàng Long vẫn không chấp hành? Phải chăng có sự làm ngơ của cơ quan chức năng và chính quyền sở tại?

Báo Nhà bào và Công luận đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm về những vi phạm của trạm trộn bê tông nêu trên. Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Trần Phong & Nhóm Phóng Viên

Link gốc: https://www.congluan.vn/nghe-an-tram-tron-be-tong-khong-phep-thach-thuc-chinh-quyen-dia-phuong-post236406.html