Trẻ sốc phản vệ nguy kịch sau vài phút uống nước ngọt có ga

Sau khi uống nước ngọt có ga, bệnh nhi xuất hiện tình trạng nuốt nghẹn, đỏ và phù mặt, khó thở.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin về trường hợp sốc phản vệ do uống nước ngọt. Bệnh nhi 10 tuổi vào viện trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù mắt, co thắt vùng khí quản, thở rít.

Theo lời kể của gia đình, sau vài phút uống nước ngọt có ga, bệnh nhi xuất hiện cảm giác nuốt nghẹn, mắc vướng cổ họng, đỏ mặt, phù mặt, nổi mẩn ngứa.

Trẻ được đưa đến trạm y tế dùng thuốc nhưng không đỡ. Bệnh nhi ngày càng khó thở và được gia đình chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Bệnh nhân được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, thuốc Adrenalin. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tích cực, trẻ qua cơn nguy kịch và được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Ảnh minh họa

Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm… người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ.

Vì thế, ai có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất nên tránh vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa sốc phản vệ là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã biết cũng như các chất thường gây ra phản ứng dị ứng nặng.

Theo các nhà khoa học, trong nước ngọt có gas có hai chất chính có thể gây sốc phản vệ là chất tạo ngọt và chất bảo quản. Chất tạo ngọt gồm đường sucrose, fructose. Chất bảo quản là sulfite. Đường sucrose, fructose có thể gây sốc phản vệ, dù tỉ lệ này rất nhỏ, thường gặp ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng như bệnh suyễn, mề đay, viêm mũi dị ứng.

Để phòng ngừa sốc phản vệ, chúng ta nên thận trọng khi ăn uống, nhất là những người có cơ địa dị ứng. Với những người bình thường, nếu dùng nhiều, thường xuyên và trong một thời gian dài thì nước ngọt có ga có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển và sức khỏe.

Điều xảy ra với cơ thể sau khi uống nước ngọt có gas

Các nhà khoa học đã đưa ra nghiên cứu về sự biến đổi trong cơ thể người trong 1 giờ đồng hồ sau khi bạn uống 1 chai nước ngọt có gas.

– Sau 10 phút: Một lượng đường tương đương khoảng 10 thìa cà phê sẽ được đưa vào cơ thể bạn, tức là 100% đường bạn cần trong ngày. Dù lượng đường đưa vào khá lớn nhưng bạn không bị nôn mửa do axit photphoric trong lon nước đã kìm hãm vị giác.

– Sau 20 phút: Lượng đường trong máu tăng vọt. Insulin (một loại hoóc môn giúp đường di chuyển từ máu vào tế bào) cũng được giải phóng. Gan nhanh chóng tiếp nhận và chuyển hóa đường thành chất béo.

– Sau 40 phút: Đồng tử của bạn sẽ giãn ra, huyết áp tăng lên đồng thời gan sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lượng đường trong hệ tuần hoàn.

– Sau 60 phút: Trải qua những biến đổi trong máu, hệ thần kinh và não bộ thì caffeine bắt đầu phát huy tác dụng lợi tiểu. Tuy nhiên, trong quá trình bài tiết, lượng canxi, magie và kẽm sẽ bị đào thải ra ngoài cũng với natri, nước và chất điện giải. Cơ thể bắt đầu mệt mỏi, uể oải và bạn rất dễ cáu gắt.

6 tác hại nguy hiểm của nước ngọt có ga

Ảnh minh họa

Tăng nguy cơ béo phì

Uống nước ngọt có ga không giúp bạn giảm cân như mong muốn, thậm chí nó còn làm tăng vòng eo lên 500% nếu uống 2 lon mỗi ngày. Theo một nghiên cứu trên động vật của Đại học Purdue (Mỹ), chất làm ngọt nhân tạo có thể phá vỡ khả năng điều chỉnh lượng calo của cơ thể dựa trên vị ngọt của thực phẩm bạn ăn. Điều đó có nghĩa là những người uống nước ngọt thường xuyên có khả năng càng ăn nhiều hơn, vì cơ thể của họ nghĩ rằng họ đang ăn đường, dẫn đến thèm ăn nhiều hơn.

Gây bệnh hen suyễn

Hóa chất sodium benzoate được sử dụng làm chất bảo quản trong nước ngọt làm tăng lượng muối, giảm chất khoáng kali trong thức ăn. Một số nghiên cứu cho thấy sodium benzoate còn gây ra phát ban, hen suyễn và bệnh chàm.

Gây hại gan

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người uống 2 lon nước ngọt có ga mỗi ngày tăng 5 lần nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Chỉ sau 20 phút uống nước ngọt, lượng đường trong máu tăng đột ngột, dẫn đến tăng insulin. Khi đó, gan sẽ phản ứng bằng cách chuyển hóa đường thành chất béo. Điều này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, vấn đề liên quan đến cholesterol cao và huyết áp cao.

Gây ra các vấn đề về tim mạch

Hầu hết nước ngọt có ga đều chứa lượng fructose cao, chất làm ngọt tăng hội chứng chuyển hóa. Đây là yếu tố làm tăng hàm lượng cholesterol, gây bệnh tiểu đường và tim mạch. Một nghiên cứu của Đại học Miami (Mỹ) phát hiện những người có thói quen uống nước ngọt hàng ngày có nguy cơ bị bệnh tim mạch tới 61%.

Ảnh hưởng khả năng sinh sản

Nước ngọt có chứa chất gây rối loạn nội tiết bisphenol A (chất nhân tạo để sản xuất nhựa PC). Chất này góp phần làm tăng nguy cơ ung thư, tàn phá hệ thống nội tiết, gây dậy thì sớm và nguy cơ vô sinh cao.

Loãng xương

Do chứa axit photphoric, uống nước ngọt ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến các vấn đề như xương yếu, loãng xương. Ngoài ra, axit photphoric có thể tương tác với axit dạ dày dẫn đến tiêu hóa chậm, đồng thời chặn quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể./.

Theo (tamnhin.trithuccuocsong.vn)

Link gốc: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/tre-soc-phan-ve-nguy-kich-sau-vai-phut-uong-nuoc-ngot-co-ga-128917.html