Thuốc Molnupiravir không làm giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong ở người đã tiêm vắc xin COVID-19

Một nghiên cứu lớn cho thấy thuốc Molnupiravir tăng khả năng phục hồi nhưng không làm giảm tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 đã tiêm vắc xin nhưng dễ bị tổn thương.

0

Molnupiravir là loại thuốc có khả năng ức chế, ngăn chặn sự tái tạo và phát triển của vi rút SARS-CoV-2. Đây cũng là loại thuốc đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn.

Nghiên cứu đã đề xuất dùng thuốc kháng vi rút Molnupiravir giúp tăng tốc độ phục hồi ở những bệnh nhân COVID-19 đã được tiêm vắc xin nhưng dễ bị tổn thương, song phương pháp này không làm giảm khả năng họ phải nhập viện hoặc tử vong.

Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc Molnupiravir vào tháng 11.2021 với dạng thuốc viên có thể uống 2 lần một ngày tại nhà được cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 thông qua nghiên cứu Panoramic.

Ở thời điểm đó, Molnupiravir được hy vọng rất cao sau khi một nghiên cứu cho thấy thuốc làm giảm một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao chưa được tiêm vắc xin. Nhưng sau khi được phê duyệt, ở thời điểm biến thể Delta chiếm ưu thế thì tác dụng của loại thuốc này lại nhỏ hơn so với ban đầu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet đã phát hiện ra rằng Molnupiravir không làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người đã tiêm vắc xin và có nguy cơ cao nhiễm biến thể Omicron.

Giáo sư Chris Butler thuộc Đại học Oxford (Anh) và là đồng điều tra viên chính của nghiên cứu cho biết vẫn có thể có những trường hợp mà thuốc Molnupiravir có thể có hữu ích. Ví dụ trong việc giúp những người lao động chủ chốt quay lại làm việc nhanh hơn nếu hệ thống chịu áp lực cao. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Đó là một quyết định phức tạp cần được đưa ra trong hoàn cảnh lúc đó”.

Người trường thành ở Anh đủ điều kiện tham gia thử nghiệm khi họ có kết quả dương tính với COVID-19 và từ 50 tuổi trở lên hoặc trên 18 tuổi có bệnh nền. Từ ngày 8.12.2021 đến ngày 27.4.2022, nhóm nghiên cứu đã tuyển dụng hơn 25.700 người tham gia đủ điều kiện, 94% trong số họ đã được tiêm ít nhất 3 mũi vắc xin COVID-19.

Một nửa số người tham gia được phân bổ ngẫu nhiên để được chăm sóc thông thường, trong khi một nửa còn lại được dùng Molnupiravir trong 5 ngày. Kết quả dựa trên thời gian theo dõi 28 ngày, cho thấy rằng cả hai nhóm đều có tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong tương tự nhau.

Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả nêu bật tầm quan trọng của vắc xin COVID-19. “Tiêm chủng là một công cụ rất hiệu quả để chống lại đại dịch này”, ông Butler nói.

Tuy nhiên, những người tham gia được cho dùng Molnupiravir đã báo cáo thời gian hồi phục trung bình là 9 ngày so với 15 ngày đối với những người chỉ được chăm sóc thông thường. Phân tích sâu hơn cho thấy Molnupiravir tăng tốc độ hồi phục trung bình là 4,2 ngày.

Những người được cho dùng Molnupiravir cũng ít tiếp xúc với bác sĩ, gia đình hơn và tỷ lệ hồi phục sớm trong khi ít người trong nhóm này được phát hiện vi rút sau 7 ngày và tải lượng vi rút của họ thấp hơn.

Kết quả thử nghiệm Panoramic củng cố lập trường hiện tại rằng Nirmaltrelvir cộng với Ritonavir (Paxlovid) và Remdesivir (Veklury) là những phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi rút được ưu tiên đối với các bệnh nhân COVID-19 nhẹ và Molnupiravir không được sử dụng thường xuyên.

Đồng tác giả nghiên cứu Jonathan Van-Tam từ Đại học Nottingham (Anh) cho biết những kết quả này chứng minh rằng khả năng bảo vệ của vắc xin mạnh đến mức không có lợi ích rõ ràng nào từ thuốc trong việc giảm thêm tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19.

Theo Đan Thùy

Link gốc: https://1thegioi.vn/thuoc-molnupiravir-khong-lam-giam-ty-le-nhap-vien-tu-vong-o-nguoi-da-tiem-vac-xin-covid-19-191269.html