Gia tăng bệnh nhân đột quỵ hậu COVID-19

Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch não gây ra đột quỵ là tình trạng rất hiếm gặp. Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ nhập viện.

0

Ngày 14/8, thông tin từ TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ (bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ – tim mạch khu vực đồng bằng sông Cửu Long) cho biết, trong 1 tháng qua, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã tiếp nhận, điều trị 5 trường hợp bị huyết khối gây đột quỵ. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.T.A (66 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, đau đầu nôn ói nhiều. Qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch lớn nội sọ (xoang tĩnh mạch dọc trên), nguy cơ tử vong cao.

Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ hậu COVID-19

Bệnh nhân N.T.A đã được các bác sĩ nỗ lực can thiệp, mở hộp sọ lấy huyết khối. Sau hơn 20 ngày can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt. Hiện bệnh nhân đã thực hiện được y lệnh của bác sĩ nhưng còn liệt nửa người bên phải đang tiếp tục theo dõi, điều trị.

Một trường hợp khác là bà H.P.H. (52 tuổi, quê Trà Vinh) nhập viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng yếu nửa người bên trái. Từ các kết quả chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán bà bị tắc hoàn toàn xoang ngang trái, phải, tắc xoang dọc trên một phần. Các bác sĩ đã can thiệp nội mạch lấy huyết khối, khai thông mạch máu bị tắc nghẽn giúp bệnh nhân qua được nguy kịch.

TS.BS Trần Chí Cường khuyến cáo: “Người bệnh khi có các biểu hiện bất thường, đau đầu dữ dội, nói khó, tê yếu, liệt tay chân hoặc liệt nửa người, rối loạn tri giác, rối loạn nhận thức cần đến bệnh viện chuyên khoa đột quỵ càng sớm càng tốt”.

Trường hợp đặc biệt nhất là bé trai V.T.L (4 tuổi, quê Đồng Tháp). Mẹ bệnh nhi cho biết, 6 tháng trước bé L bị mắc COVID-19. Cách nhập viện khoảng 1 tuần, bé bị sốt, ói, tiêu chảy nên đưa đến bệnh viện nhi đồng điều trị. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng, trẻ rơi vào lơ mơ phải chuyển viện cấp cứu. Tại Bệnh viện S.I.S các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Với cơ thể còn quá nhỏ của bệnh nhi 4 tuổi, khả năng điều trị thuốc chống đông và kỹ thuật can thiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần “còn nước còn tát”, các bác sĩ đã can thiệp lấy huyết khối, giúp trẻ vượt qua nguy kịch.

Tất cả 5 ca bệnh nhập viện điều trị vì huyết khối tĩnh mạch nội sọ điều trị tại Bệnh viện S.I.S đều liên quan đến COVID-19. Một trường hợp diễn tiến quá nặng, đã tử vong. Từ thực tế trên, TS.BS Trần Chí Cường nhận định, sau đại dịch COVID-19, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến bệnh lý mạch máu đang có sự gia tăng.

“Sau mắc COVID-19 cơ thể bệnh nhân có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch làm tăng phản ứng viêm, từ đó gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ trong cộng đồng cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim”, TS Cường cho biết thêm.

Theo Vân Sơn

Link gốc: https://tienphong.vn/gia-tang-benh-nhan-dot-quy-hau-covid-19-post1461649.tpo