Ung thư mắt ở trẻ: 70% không thể giữ lại mắt nếu điều trị muộn
Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết ung thư mắt là một bệnh không phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm bởi nó chính là một loại u ác tính và đa số khi đến khám là người bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Trao đổi với báo chí vào chiều 20.11, PGS. Nguyễn Tuấn Hưng – Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết ung thư mắt chính là chuyên ngành sâu của nhãn khoa liên quan đến chẩn đoán và điều trị tất cả các khối u tại bề mặt nhãn cầu, u nội nhãn hoặc các mô xung quanh nhãn cầu, bao gồm khối u của mi mắt, kết mạc, u nội nhãn (u võng mạc, u hắc mạc…), u thị thần kinh và u hốc mắt.
Khi người bệnh xuất hiện khối u ở vùng mắt, dù là u lành tính hay u ác tính thì cần phải được điều trị và theo dõi cẩn thận vì nó dễ gây giảm – mất thị lực, thậm chí đe dọa tính mạng. Thống kê trong 6 năm từ 2018 đến 2022, hàng năm có khoảng hơn 1000 lượt bệnh nhân bị ung thư mắt cũng như các khối u tại mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Hiện tại bệnh viện có 300 bệnh nhân ung thư vùng mắt đang theo dõi ngoại trú, với số lượt khám 300 lượt khám/năm và 120 lượt điều trị/năm.
Điều đáng chú ý nhất là hiện nay tại Việt Nam chưa có trung tâm riêng về các khối u mắt, các bác sĩ làm trong lĩnh vực ung bướu mắt đa phần là bác sĩ nhãn khoa. Trong quá trình làm việc với bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh nhân có bệnh lý ở mắt và sẽ được điều trị rải rác ở các bệnh viện Mắt trên toàn quốc nên rất khó để có số liệu chính xác về số lượng bệnh nhân bị khối u mắt trên toàn quốc.
PGS. Nguyễn Tuấn Hưng cũng khẳng định bệnh khối u mắt đa phần có tính bẩm sinh, di truyền, ở giai đoạn đầu thường không có những biểu hiện đặc thù nhưng sau khi xuất hiện những đốm trắng ở lòng đen mắt thì khi đó khối u đã phình to. Và thực tế có tới hơn 70% trẻ không thể giữ lại mắt hay thị lực của bản thân khi đến bệnh viện vì lúc đó khối u đã phát triển rất lớn, phá vỡ nhãn cầu.
Còn theo tiến sĩ Phạm Minh Châu – Phó trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho rằng những người có yếu tố di truyền có thể phát hiện sớm khi đang mang thai bằng cách chọc ối hay thực hiện kỹ thuật IVF để loại trừ gen gây bệnh. Điều quan trọng nhất là khi phát hiện trẻ có biểu hiện lác hay có đốm trắng ở lòng đen thì không được trì hoãn mà cần phải đi khám, can thiệp ngay để giữ thị lực cho trẻ.
“Với ung thư mắt, khi đã loại bỏ khối u, trẻ có cuộc sống hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Nếu được điều trị và phát hiện sớm, tỉ lệ bảo toàn mắt và sống khỏe mạnh của bệnh nhân lên tới 95%”- bác sĩ Châu cho hay.
Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết có phương pháp điều trị các bệnh lý khối u/ung thư vùng mắt được triển khai bằng kỹ thuật, phẫu thuật tại mắt hoặc các phần xung quanh hốc mắt như lấy hoặc cắt bỏ 1 phần hay toàn bộ u, cắt bỏ nhãn cầu, nạo vét tổ chức hốc mắt và áp/tiêm một số hóa chất vào khối u tại mắt theo phác đồ. Nếu với kết quả mô bệnh học khẳng định ác tính, người bệnh được chỉ định điều trị với hóa chất toàn thân, xạ trị, sử dụng thuốc đích – chế phẩm sinh học theo các phác đồ và được gửi sang các bệnh viện chuyên về ung bướu hoặc bệnh viện đa khoa có khoa ung bướu để kết hợp điều trị.
Với phương pháp này, thay vì điều trị hóa chất toàn thân (khối u tiếp nhận ít hóa chất, hóa chất gây tác động tới toàn bộ cơ thể), hóa chất được bơm trực tiếp vào khối u, khiến khối u teo lại, bảo vệ thị lực trẻ. Đã có hơn 100 bệnh nhi được điều trị thành công.