Những phận đời ở làng vạn chài trước ngày di dời để thực hiện dự án nghìn tỷ

Sinh sống trên thuyền bằng nghề chài lưới, những mảnh đời ở làng vạn chài ven sông Vinh sắp phải rời xa chốn mưu sinh bao năm nay bởi nơi họ ở chuẩn bị thực hiện dự án nghìn tỷ cải tạo bờ sông.

0

Ven bờ sông Vinh (Nghệ An) có làng vạn chài với 7 hộ dân – khoảng gần 50 nhân khẩu sinh sống. Khu vực họ ở là mép bờ sông Vinh thuộc khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP. Vinh (Nghệ An).

Vị trí những hộ dân ở đang chuẩn bị thực hiện dự án khu đô thị và cải tạo bờ sông Vinh. Tới đây, những hộ dân này sẽ phải di dời đi nơi khác để địa phương thực hiện dự án. Nhưng tương lai đi đâu về đâu, có nhà để ở hay vẫn tiếp tục cuộc sống “trên bến dưới thuyền” thì chưa biết trước

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân (TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, những hộ dân làng vạn chài này sinh sống ở đây đã từ lâu. Các hộ dân làm nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông rồi đem ra chợ bán. Cuộc sống rất khó khăn. “Phường cũng hết sức tạo mọi điều kiện để hỗ trợ họ. Đặc biệt, đối với trẻ em tại đây trong quá trình học tập được hỗ trợ các khoản chi phí. Các dịp lễ, Tết địa phương cũng thăm hỏi, tặng quà”, ông Mạnh chia sẻ.

Cặm cụi sửa lại mái thuyền vừa là công cụ mưu sinh và cũng là “ngôi nhà” nhỏ để sinh sống, ông Hoàng Vựng (SN 1978) cho biết, bản thân ông cũng không nhớ nổi gia đình ông về đây ở từ bao giờ. Bởi từ bé, bố mẹ ông Vựng đưa cả gia đình rời quê từ tỉnh Quảng Bình đi khắp nơi mưu sinh đánh cá. Sau những năm lưu lạc đánh bắt ở sông này sông kia, bố mẹ ông Vựng quyết định “cắm dùi” tại ven bờ sông Vinh này để sinh sống.

Vợ chồng ông Vựng có 3 người con. Hiện một người con đã lấy vợ và sinh cháu. Chiếc thuyền nhỏ xiêu vẹo đã yếu đi vì sương gió vốn chật chội nên khi có thêm thành viên, vợ chồng người con phải về nhà ngoại ở tạm. Hiện 2 vợ chồng người con đã đi làm thuê nơi khác để mong có thu nhập ổn định hơn.

Trước đây, ông Vựng cũng có 1 căn nhà nhỏ dựng tạm trên bãi đất hoang ven sông. Nhưng đợt bão lũ năm trước đã khiến căn nhà bị đổ sập. Không thể dựng nhà mới ở, gia đình ông Vựng lại quay về con thuyền nhỏ với cuộc sống hàng ngày trên sông.

Căn nhà của ông Vựng dựng ở bãi đất hoang cạnh mép sông của phường. Trước đây do ở trên thuyền chật chội, ông Vựng và các hộ dân bèn lên bờ dựng tạm những lán chòi để ở. Đợt bão lũ lớn, nhiều hộ dân bị gió giật nhà sập nên trở về thuyền để ở. Một số hộ chưa bị sập vẫn tiếp tục nán lại trong những chiếc chòi này.

Một số dựng những chiếc nhà nổi trên sông để ở. Cuộc sống cũng bấp bênh như chính căn nhà của họ.

Các hộ dân ở làng chài này sinh sống dựa vào sông. Hàng ngày, các gia đình sẽ chèo thuyền thả lưới đánh cá. Khi được cá, họ sẽ mang lên đường bán cho người dân hoặc mang ra chợ Vinh gần đó để bán.

Ngày nhiều thì được vài ba trăm nghìn, có ngày chỉ được trăm nghìn, thậm chí mưa gió chẳng được đồng nào. Cuộc sống bấp bênh nên các hộ dân nghèo khó, họ phải chi tiêu dè sẻn lắm mới đủ cái ăn cái mặc hàng ngày.

Nhà các hộ dân dựng trên bờ tạm bợ, được chằng vá bởi những tấm bạt đã rách nát.

Tài sản của họ chẳng có gì đáng giá ngoài những chiếc xe cũ và ít vật nuôi trong nhà.

Chủ tịch phường Vinh Tân Nguyễn Hoàng Mạnh cho biết, trước đó vào năm 2004, chính quyền địa phương đã từng đưa các hộ dân này về quê ở tỉnh Quảng Bình để bàn giao cho địa phương và cấp đất cho các hộ dân này sinh sống. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, những hộ dân này đã quay trở lại sông Vinh để ở vì trong quê không có việc làm.

Tới đây, thành phố Vinh sẽ triển khai việc cải tạo toàn bộ bờ kè sông Vinh. Đây là một hợp phần trong dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh” vừa được tỉnh Nghệ An phê duyệt. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư gần 200 triệu USD. Khi thực hiện cải tạo toàn bộ sông Vinh, chắc chắn những hộ dân vạn chài này sẽ phải di chuyển để đơn vị thi công làm dự án. Không biết những chiếc thuyền nhỏ này sẽ tiếp tục trôi về nơi đâu để tiếp tục mưu sinh mỗi ngày.

Theo Phú Hưng – Cảnh Huệ

Link gốc: https://tienphong.vn/nhung-phan-doi-o-lang-van-chai-truoc-ngay-di-doi-de-thuc-hien-du-an-nghin-ty-post1513226.tpo