Nghệ An: Nguy cơ cao bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập

Ở thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ca bệnh là một phụ nữ từ nước ngoài trở về. Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập bệnh tại Việt Nam là hiện hữu. Nghệ An cũng trong tình trạng này.

0

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Di – Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.

Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: Science Photo Library.png

PV: Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về bệnh Đậu mùa khỉ – Căn bệnh đã khiến Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu?

Bác sĩ Nguyễn Trọng Di: Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đã ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Ở thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ca bệnh là một phụ nữ từ nước ngoài trở về.

Những ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có bệnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ… Để xác định ca bệnh cần xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với vi rút đậu mùa.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những con đường lây lan của bệnh đậu mùa khỉ?

Bác sĩ Nguyễn Trọng Di: Như đã nêu, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua những con đường như sau:

Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ. Đồ họa: vnexpress.net

Lây truyền trực tiếp từ người sang người: Việc lây lan trực tiếp giữa người với người khi hai người tiếp xúc trong một thời gian khá lâu. Virus đậu mùa khỉ có thể được lây từ những giọt bắn nhỏ khi người đối diện hắt hơi, ho hoặc nói chuyện.

Lây truyền qua những vật dụng ô nhiễm: Câu trả lời cho câu hỏi đậu mùa khỉ lây qua đường nào còn đến từ việc bạn tiếp xúc với quần áo hoặc chăn gối bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh đến từ lý do này thường ít gặp.

Lây nhiễm từ động vật sang người: Được thể hiện qua việc tiếp xúc qua dịch của cơ thể từ giọt bắn ở đường hô hấp.

Tuy nhiên những nguồn lây nhiễm nói trên chỉ mang tính nhỏ lẻ. Nguyên nhân chính lây lan bệnh đậu mùa khỉ là quan hệ tình dục đồng tính nam. Hiện nay qua thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy: Số ca mắc đậu mùa khỉ chủ yếu là nam giới (chiếm 98%), trong đó có nhiều trường hợp thuộc nhóm có quan hệ tình dục đồng giới nam. Điều này có thể hiểu, virus đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc gần và có tìm thấy trong tinh dịch, nên việc quan hệ tình dục nói chung và quan hệ tình dục đồng giới nam có thể là một con đường lây nhiễm bệnh.

Việc quan hệ đồng giới của những người nam (thông qua hậu môn) thường được cho là thô bạo hơn, dễ tạo tổn thương da hơn nên tạo điều kiện cho virus đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn. Điều này có thể giải thích tại sao nhóm người này đang trở thành tâm điểm của dịch bệnh hiện nay.

PV: Với các con đường lây nhiễm nói trên, ông đánh giá nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây truyền vào Nghệ An ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Trọng Di: Do Nghệ An là địa phương dân số đông, người dân đi làm ăn xa tại các tỉnh thành và các nước là rất đông. Hơn nữa Nghệ An cũng là tỉnh có hệ thống giao thông đa dạng, có cửa khẩu quốc tế, có đường biển, sân bay quốc tế… Vì vậy, Nghệ An xác định nguy cơ các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh đậu mùa khỉ nói riêng xâm nhập vào tỉnh Nghệ An là rất cao.

Phòng chống bệnh đầu mùa khỉ nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung, Nghệ An đã kích hoạt hệ thống giám sát chặt chẽ ở tất cả các cảng biển, sân bay, cửa khẩu tiếp giáp. Khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ thì sẽ đáp ứng chống dịch giống như một ca bệnh xác định nhằm kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào địa bàn.

Khuyến cáo phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế. Ảnh: suckhoedoisong.vn

PV: Để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần phải thực hiện các biện pháp nào?

Bác sĩ Nguyễn Trọng Di: Để phòng ngừa tránh lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, mọi người dân cần tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ); tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh; thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử trí phù hợp… Người dân có thể phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Tại cơ sở điều trị, việc phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Cụ thể cần thực hiện nghiêm việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định; tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các người bệnh khác tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo Thành Chung

Link gốc: https://baonghean.vn/nghe-an-nguy-co-cao-benh-dau-mua-khi-xam-nhap-post259728.html