Nghệ An: Lao động tự do gồng mình kiếm thu nhập ngày cận tết

Những ngày cận tết, những người làm nghề cửu vạn trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) phải làm việc thâu đêm, suốt sáng bán sức lao động để mong có một cái Tết đủ đầy.

Những người cửu vạn tất bật mưu sinh tại bến xe Chợ Vinh. Ảnh: Quỳnh Trang

Thu nhập gấp 3 lần

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, bến xe chợ Vinh (Nghệ An) nhộn nhịp những chuyến xe khách Nam – Bắc chở hàng nối đuôi nhau vào bến.

Đầu giờ sáng ngày 15.2, vừa hì hục bốc hàng xuống xe, anh Nguyễn Đình Mạnh (SN 1976, quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) nói:  “Tôi làm nghề này đã gần 10 năm, những ngày cận tết, cứ có xe hàng về là chúng tôi bốc vác bất kể ngày đêm để hỗ trợ cho việc lưu thông hàng hóa kịp thời”.

Anh Nguyễn Đình Mạnh và những người làm nghề bốc vác cùng dỡ hàng từ xe xuống. Ảnh: Quỳnh Trang

“Mấy hôm nay hàng nhiều, hôm nào trong người không khỏe thì chỉ nghỉ ngơi một buổi chứ không dám nghỉ dài, một ngày nghỉ là mất đi nguồn thu nhập mấy trăm ngàn đồng. Hôm sau phải còng lưng làm lại để bù vào các khoản tiền chi tiêu sinh hoạt trong nhà, mệt hơn” – anh Mạnh tâm sự

Theo anh Mạnh, làm nghề này không có giờ giấc cụ thể, những ngày cuối năm trung bình mỗi ngày dân bốc vác như anh làm việc từ 10 – 15 tiếng.

Theo anh Nguyễn Đình Mạnh, mỗi 1 tấn hàng, anh được trả 100.000 nghìn đồng tiền công bốc vác. Ảnh: Quỳnh Trang

Hàng về tràn ngập sân bến xe chợ Vinh, nhờ đó anh có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng mỗi ngày từ công việc bốc xếp. Trong khi những ngày thường, anh chỉ thu được được 200.000 đồng, thậm chí có hôm còn không có việc để làm. Ai đấy đều phấn khởi, cố gắng làm việc để có một cái Tết ấm no.

Anh Mạnh cố gắng để gia đình có một cái Tết đầy đủ hơn. Ảnh: Quỳnh Trang

Tranh thủ lúc các anh chờ việc, tôi bắt chuyện với Thái, một thanh niên còn rất trẻ (26 tuổi), cùng đội thợ với anh Mạnh.

Anh Thái cho biết: “Quê em ở miền núi huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Em có nghề hàn xì cửa sắt thuộc loại thạo việc, đã từng nhận công trình riêng nhưng rồi bỏ việc vì bị chủ thầu quỵt tiền công, đòi mãi không được rồi đành bỏ luôn, mới theo các anh ở đây làm nghề bốc vác”.

Theo anh Thái, nghề bốc vác xong việc là nhận “tiền tươi” từ chủ, cứ thế anh em chia đều, không so đo kẻ bốc nhiều người vác ít, có điều phải thật sự đoàn kết thương yêu tương trợ lẫn nhau mới trụ được với nghề. Người có tuổi, sức khỏe kém hơn chỉ làm nhiệm vụ kéo xếp hàng, đỡ hàng lên vai cho người trẻ khỏe vác.

“Em cố gắng làm tới 29 tết rồi đi xe máy về quê luôn. Thời điểm này là mùa làm ăn nên ai cũng cố gắng. Mệt thì chúng em ngủ luôn trên thùng hàng, có đói thì có bánh mì mua sẵn mang đi cũng ăn luôn tại đây. Em tranh thủ làm cố gắng kiếm thêm thu nhập vì những ngày này không có nhiều” – anh Thái bộc bạch.

Theo mức giá tiền công, cứ 1 tấn hàng được trả 100.000 đồng tiền công bốc vác. Cả đội làm hết ngày, về chia ra, mỗi người được gần một triệu đồng.

Cậu thanh niên tên Thái (26 tuổi) cho biết, ngoài sức khoẻ, công việc này còn đòi hỏi sự khéo léo. Ảnh: Quỳnh Trang

Được biết, với thu nhập như thế, ở quê với lao động chân tay không có nghề gì bằng được. Để có thể giữ được khách quen, hàng về đến đâu, mọi người phải gắng bốc cho xong, không dám từ chối mà động viên nhau làm.

“Tăng ca” để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết tươm tất

Những người lao động như anh Mạnh hay anh Thái đều mang trong mình hy vọng là kiếm thêm đồng tiền lo cho ngày Tết. Nhưng có đến hàng nghìn người cùng mang quyết tâm như họ, cố gắng tranh thủ dịp Tết dành dụm để bù đắp cho những ngày ít việc.

Người lao động miệt mài làm việc, mong muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Quỳnh Trang

Gia đình không có ruộng đất, anh Mạnh vào TP Vinh chạy xe ôm, nhưng rồi thu nhập không đủ để chi trả sinh hoạt hàng tháng, anh đã nhận đủ thứ việc “thập cẩm”, miễn kiếm ra tiền.

Dù làm nghề “cửu vạn” đã gần chục năm, anh Mạnh cho rằng để làm được công việc này, phải là người có sức khỏe bền bỉ, nhanh nhẹn, cẩn thận và đặc biệt phải thật thà. Tuy dịp này nhiều việc, nhưng cũng không ít cánh thợ vẫn ngồi chơi vì không được thuê.

Những chuyến hàng đang khẩn trương toả đi các chợ trên địa bàn Nghệ An, sẵn sàng cho bà con mua sắm tết. Ảnh: Quỳnh Trang

“Lao động tự do ngày càng nhiều, ai cũng mong có việc tìm đến mình. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh xô xát vì tranh giành khách. May mắn thay ở Vinh chủ yếu là người ở huyện đổ về, bọn tôi sống tình cảm hơn, giúp đỡ nhau lắm nên cũng ít có va chạm xảy ra”, anh Mạnh chia sẻ.

Anh Mạnh cho biết sẽ bám trụ ở Vinh đến khi nào không đủ sức khỏe nữa. Tết năm nay, anh sẽ cố gắng dành dụm tiền, tích góp tiền mừng tuổi cho các cháu và cùng vợ mua sắm cái tivi mới.

Nghỉ Tết, anh Mạnh sẽ sắm nhiều quần áo mới cho 2 cô con gái, 1 cậu con trai. Anh bày tỏ mong ước sang năm mới, kinh tế ổn định để dân lao động như anh yên tâm làm việc.

Hầu hết người làm nghề bốc vác thu nhập rất bấp bênh và còn tùy thuộc vào công việc nên phần đông trong số họ không ai dám nghĩ nhiều về tương lai và sự ổn định của nghề. Điều thiệt thòi nhất đối với những người làm nghề bốc vác là ngoài tiền công lao động, họ chẳng được hưởng chút quyền lợi gì, kể cả khi bị tai nạn lao động phải nghỉ việc dài ngày.

Theo chị Hiền, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng Hiền Lý (đại lộ Lê Nin, TP Vinh), những người hành nghề bốc vác chỉ sống nhờ vào sức lao động và làm theo thời vụ. Đây cũng là một nghề mưu sinh chân chính, được xã hội công nhận nên chị cố gắng trả công cho họ khá hơn một chút, bù đắp cho những người lao động vất vả.

Theo Quỳnh Trang

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/nghe-an-lao-dong-tu-do-gong-minh-kiem-thu-nhap-ngay-can-tet-1138327.ldo