Nghệ An: Làm gì để giải bài toán thiếu hụt lao động?

Nhiều doanh nghiệp "khát" lao động để mở rộng sản xuất. Giải bài toán thiếu hụt nhân công bằng cách nào để tuyển được người và giữ chân người lao động lâu dài?

0

Thị trường lao động đã dần hoạt động nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu phục hồi từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt lao động vẫn tiếp diễn tại một số địa phương ở Nghệ An và ở một số ngành nghề.

Lương thấp và môi trường làm việc chưa hấp dẫn

Chị Trần Thị Lan trú tại huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đang làm công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc chia sẻ: “Lương cơ bản hiện nay là 4,1 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca nhiều, đi làm đêm thì người làm lâu năm mới được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập bèo bọt so với sức lao động bỏ ra, nhưng vì hoàn cảnh nên chúng tôi vẫn phải bám trụ…”.

Các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử gặp khó về đơn hàng, thị trường và nguyên liệu (Ảnh minh họa)

Tương tự chị Nguyễn Thanh Nga trú tại huyện Nghi Lộc đã có nhiều năm làm việc tại các vị trí từ kế toán đến quản lý nhân sự tại một số công ty ở những khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Biết tiếng Trung và có kinh nghiệm ở các vị trí nên chị có nhiều cơ hội việc làm. Thời gian gần đây, chị thử về quê lập nghiệp và tìm việc ở một số công ty tại Nghệ An. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn chị đều rời bỏ vì thu nhập, chế độ đãi ngộ thấp hơn so với vị trí làm việc. Chị Nga tâm sự: “Hầu hết các công ty trong miền Nam không những lương cao, chế độ phúc lợi đầy đủ mà môi trường làm việc còn chuyên nghiệp và doanh nghiệp có thái độ trọng dụng người lao động”.

Ông Đinh Văn Phong – Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chia sẻ: “Để thu hút, giữ chân được lao động, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều phía. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao chế độ tiền lương và có chính sách trọng dụng lao động hơn. Nghệ An đang tính đến việc đầu tư hệ thống dịch vụ tại khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn như: Dịch vụ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người lao động, trường học, cơ sở chăm sóc y tế, dịch vụ thương mại… đáp ứng được nhu cầu của người lao động để họ yên tâm ở lại lập nghiệp tại quê hương…”.

Theo thống kê của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, trong hơn nửa năm qua có hơn 6.237 lao động tại 32 doanh nghiệp bị giảm giờ làm và 2.507 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Số lao động ảnh hưởng chủ yếu ở các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử…

Trong đó, lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, làm việc ở các công ty trong khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và trong doanh nghiệp tư nhân. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy có hơn 5.700 lao động có mong muốn tìm được công việc mới ở quê nhà.

Chính sách tốt cho lâu dài

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An, cho biết, hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Ông Vũ cho rằng đây là một vấn đề đáng lưu tâm, đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân dẫn tới tình trạng cung – cầu “chưa gặp nhau”.

Tỉnh Nghệ An đang tích cực làm tốt công tác chuẩn bị nguồn, nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường

Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là sức hấp dẫn về thu nhập tại các doanh nghiệp thấp. Thu nhập bình quân của người lao động ở Nghệ An trung bình 6,3 triệu đồng/tháng, trong khi đó bình quân cả nước là 7 triệu đồng/tháng, còn ở các doanh nghiệp thuộc các vùng trọng điểm kinh tế là trên 8 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, lao động tích cực tham gia các thị trường lao động ngoài nước, cũng liên quan đến vấn đề thu nhập khi mức lương ở nước ngoài cao gấp 5-8 lần trong nước…” – ông Vũ thông tin.

Thêm một khó khăn khác, đó là người lao động ở Nghệ An trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, nên bất lợi khi ứng tuyển vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khó khăn về nhà ở, nhà trọ, chưa có các tuyến xe buýt, môi trường sinh hoạt, giá cả sinh hoạt đắt đỏ so với nơi khác cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An, cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm mới cho người lao động ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện đầy đủ các chính sách để người lao động có thể lựa chọn thị trường lao động, có thể vào khu công nghiệp, xuất khẩu lao động hoặc ở lại quê hương tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp…

Cùng với tăng cường đào tạo, nâng cao tỷ lệ lao động có nghề cần phải thông tin cụ thể, kịp thời về cung – cầu lao động để doanh nghiệp và người lao động có thể “gặp nhau”. Thực hiện tốt các chính sách cho người lao động và khuyến khích người lao động như xuất khẩu lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm… Việc giữ chân lao động phải làm đồng bộ, đến toàn thể người lao động chứ không chỉ một bộ phận nào đó. Chính sách lương thưởng thay đổi phù hợp với người lao động để tránh tình trạng thấy doanh nghiệp khác có lương thưởng tốt hơn, lao động có thể “nhảy việc”.

“Cần tăng cường kết nối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp đảm bảo sự hài hòa và phát triển. Hiện lao động trong các doanh nghiệp ở Nghệ An đã được hưởng mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng theo quy định nhưng thu nhập vẫn còn thấp. Đây là vấn đề rất cần quan tâm…” – ông Đoàn Hồng Vũ cho biết.

“Đỏ mắt” tìm người

Về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hiện có 49.368 vị trí việc làm mới tại 318 doanh nghiệp đang chờ người lao động Nghệ An, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 290 doanh nghiệp nội tỉnh, nhu cầu tuyển dụng 20.900 lao động.

Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất cấu kiện điện tử, có tổng mức đầu tư 200 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Nhà máy đi vào hoạt động ổn định có thể sử dụng khoảng 8.000 lao động đến năm 2025.

Bà Lê Đan Lin – Trợ lý Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam cho hay – hiện nay, Công ty đang cần tuyển người lao động có kinh nghiệm cao vào nhiều vị trí như: Kế toán, chủ quản kho, trưởng phòng IT, nhân viên công nghệ thông tin, phần mềm… Các vị trí này yêu cầu chuyên môn tay nghề và đặc biệt cần biết tiếng Trung để có thể chuyển giao, vận hành nhà máy đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng đã lâu nhưng rất khó để tìm ứng viên phù hợp.

Đủ mọi cách, kể cả nhờ nhiều hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực, đến nay doanh nghiệp vẫn rất thiếu người. Nhiều công ty ở Nghệ An… cũng cần tuyển dụng hàng ngàn lao động phổ thông.

Hỗ trợ tiền đi lại, hợp đồng với đơn vị vận tải hỗ trợ xe đưa đón đối với các công nhân ở xa, thưởng năng suất, hỗ trợ người lao động có con nhỏ, phụ nữ đang mang thai. Thậm chí, trong thời kỳ thiếu lao động, Công ty còn thưởng cho công nhân giới thiệu được người khác vào làm việc… Thế nhưng, các doanh nghiệp này chỉ tuyển được “nhỏ giọt” mỗi ngày.

Theo Lam Hoàng

Link gốc: https://congthuong.vn/nghe-an-lam-gi-de-giai-bai-toan-thieu-hut-lao-dong-266339.html