Nhân viên trường học phản ánh bị phân biệt đối xử, thiệt thòi

Nhiều nhân viên trường học tại Nghệ An phản ánh bị phân biệt đối xử, làm việc phục vụ không công và chịu nhiều thiệt thòi.

Nhân viên dọn dẹp vệ sinh trường học. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Ngày 12.8, trao đổi với phóng viên, chị N.T.H., nhân viên trường tiểu học tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết chị là kế toán kiêm phụ trách thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể học sinh, cùng với nhân viên phụ trách thiết bị, thư viện, văn thư có nhiệm vụ dọn dẹp nhà văn phòng, phòng hiệu trưởng, phòng hiệu phó, nhà vệ sinh giáo viên…

“Chúng tôi còn làm rất nhiều việc không tên khác, như nấu nước, rửa đánh ấm chén phục vụ giáo viên, nhiều giáo viên ăn quà tại phòng hội đồng để lại rác, chúng tôi cũng phải dọn” – chị N.T.H nói.

Chị N.T.H cũng băn khoăn chức danh phó hiệu trưởng trường học có được chế độ phục vụ lau chùi bàn ghế, ấm chén phòng làm việc, nấu nước hằng ngày hay không, ai là người phục vụ…, trong khi hiện tại chị đang phải phục vụ.

“Nhân viên trường học như osin không lương vậy. Chúng tôi chỉ mong được làm việc theo đúng chuyên môn, chức danh nhà nước đã tuyển dụng” – chị chị N.T.H trăn trở.

Cùng tâm tư với chị chị N.T.H, nhiều nhân viên trường học khác tại Nghệ An cũng phản ánh phải làm rất nhiều việc có tính chất phục vụ nhưng không được thanh toán, bị phân biệt đối xử và mức lương rất thấp.

Trước thực trạng nói trên, một cán bộ quản lý giáo dục tại Nghệ An chia sẻ: “Thực tế nhân viên tại một số trường học đang làm nhiều việc không tên và chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi nhiều trường kinh phí hạn hẹp nên không thể thuê lao công riêng. Do đó, quan trọng ở hiệu trưởng biết thông cảm và linh hoạt xử lý. Đối với các công việc có tính chất thường xuyên như nấu nước, lau dọn…, cần có chế độ trả công cụ thể, như vậy sẽ bảo đảm quyền lợi cho các nhân viên trường học”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với các hiệu trưởng có sự thấu hiểu, chia sẻ thì nhân viên trường học được tôn trọng, đối xử bình đẳng và bảo đảm mọi quyền lợi. Còn đối với các hiệu trưởng chưa có nhận thức thấu đáo về vấn đề thường xảy ra các hiện tượng bất cập như nhân viên trường học thiệt thòi quyền lợi, bị phân biệt đối xử.

Do đó, theo các chuyên gia giáo dục, các hiệu trưởng cần tham khảo các mô hình phân công lao động và chế độ đãi ngộ hợp lý để triển khai áp dụng, tự điều chỉnh để bảo đảm sự hài hòa và tính nhân văn trong môi trường giáo dục.

Bên cạnh đó, những nhân viên trường học nếu cảm thấy chưa hài lòng, còn bất cập thì cần có các hình thức trao đổi, góp ý, kiến nghị… đối với hiệu trưởng, đề nghị hiệu trưởng điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi.

Nhân viên trường học có thể trực tiếp phản ánh hoặc thông qua tổ chuyên môn, công đoàn. Trường hợp hiệu trưởng không điều chỉnh sau khi đã kiến nghị, góp ý, nhân viên trường học có thể kiến nghị, khiếu nại lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên, để xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng sức lao động trong nhà trường.

Theo Quang Đại

Link gốc: https://laodong.vn/ban-doc/nhan-vien-truong-hoc-phan-anh-bi-phan-biet-doi-xu-thiet-thoi-1227950.ldo