Đất đắp nền, nỗi “ám ảnh” của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu đất đắp nền cho cao tốc Bắc – Nam nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều dự án thành phần vẫn đang bế tắc vì rào cản này.

Thiếu đất đắp nền khiến nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ.

Cách đây không lâu, khi nói về tình trạng thiếu đất đắp nền tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020), đại diện Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (nay là Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT) cho biết, nhiều nhà thầu phản ánh về tình trạng thiếu đất đắp nền và nhận định đây chính là khó khăn rất lớn đối với các hợp đồng thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1.

Không những thiếu mà giá đất đắp nền còn liên tục tăng giá trong thời gian qua, có những thời điểm giá loại vật liệu này tăng tới 30 – 50%, cá biệt có gói tăng 154%. Nguồn cung khan hiếm cộng với giá leo thang đã khiến không ít nhà thầu “méo mặt”.

Nguy cơ vỡ tiến độ

Một trong những dự án đang gặp khó bởi vấn đề đất đắp nền này chính là cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, thuộc giai đoạn  1 cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đại diện doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng khẳng định, khó khăn lớn nhất họ đang gặp phải chính là không có đất đắp nền.

Theo tính toán, tổng nhu cầu đất đắp của cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt  khoảng 7 triệu m3. Tuy nhiên, hiện tại nhiều đoạn đã xử lý xong nền yếu bằng cát để sẵn sàng đắp đất mà đành phải để không vì chưa có đất. Nguồn đất sẵn nhất vào lúc này là đất điều phối thì trữ lượng chỉ có hạn với khoảng 300.000 khối và chủ yếu chỉ đủ để đắp đường công vụ.

Trên thực tế, nhà đầu tư dự án có khoảng 4 mỏ đất với trữ lượng khoảng 6 triệu khối. Có điều, hiện họ chỉ có thể khai thác một trong bốn mỏ này còn 3 mỏ kia đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục nên dân không cho vào lấy.

“Doanh nghiệp (DN) đã bỏ hàng tỷ đồng để nộp tiền cấp quyền nhưng mỏ thì vướng dân, mỏ thì vướng các quy định của pháp luật. Tỉnh thì quyết liệt, nhưng luật thì nhiều và chồng chéo lẫn nhau, nên các sở, ngành không dám tự ý quyết” – đại diện đầu tư đứng đầu liên danh là Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết.

Ý thức được khó khăn về vật liệu đắp nền cho dự án nên Công ty TNHH Hòa Hiệp đã “đi tắt đón đầu” bằng việc mua lại các công ty đang làm hồ sơ mỏ. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không giải quyết được vấn đề bởi đến nay sau 3 năm thực hiện, trong 4 mỏ đất DN này mua thì chỉ có 1 mỏ được phép khai thác, các mỏ còn lại vẫn đang tiếp tục chờ.

Theo nhận định của giới chuyên môn, vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong hợp đồng thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, có hợp đồng tỷ trọng vật liệu đất đắp hơn 20%. Nếu nguồn vật liệu quan trọng này bị “tắc”, nguy cơ các dự án đang triển khai bị vỡ tiến độ là rất lớn. Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt là một điển hình. Đại diện nhà đầu tư và DN dự án nhận định, nếu khó khăn về đất đắp nền không sớm được giải quyết, việc dự án chậm tiến độ là điều khó tránh.

“Nỗi ám ảnh” mang tên thiếu vật liệu đắp nền cần sớm được giải quyết trước khi giai đoạn 2 cao tốc Bắc – Nam được triển khai.

Nỗi “ám ảnh” thường trực

Điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ thiếu vật liệu đắp nền sẽ tiếp tục “vắt” sang cả giai đoạn 2 (2021 – 2025) của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đại diện Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, trong các cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép để triển khai cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có nội dung liên quan đến mỏ vật liệu.

Theo đó, trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, nhà thầu còn có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2 của Dự án Cao tốc Bắc – Nam, Chính phủ sẽ triển khai theo hướng căn cứ dự toán trữ lượng và quy hoạch mỏ của địa phương rồi sẽ giao mỏ cho chủ đầu tư dự án. Cách làm này được kỳ vọng sẽ vừa tiết giảm được kinh phí, vừa đẩy nhanh được tiến độ dự án.

Theo nhiều chuyên gia, kể cả khi thực hiện theo cách làm mới trên, nguy cơ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 thiếu vật liệu đắp nền vẫn còn hiện hữu. Bởi, quy hoạch về mỏ vật liệu của các địa phương hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở quy hoạch địa điểm. Nếu muốn đưa mỏ vào khai thác, trước hết phải trải qua công đoạn khảo sát, đánh giá trữ lượng. Nguồn tiền để thực hiện công đoạn trên lấy từ đâu và do địa phương, nhà thầu hay đơn vị nào chi trả vẫn là băn khoăn lớn.

PGS.TS Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định, với nhiều vấn đề còn tồn tại, lo ngại về mỏ vật liệu sẽ vẫn là thách thức lớn trong thi công nhiều dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

“Đối với dự án hạ tầng giao thông, khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng công trình, mục tiêu cam kết… chính là vật liệu xây. Do đó cần sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề này” – PGS.TS Trần Chủng cho biết.

Một trong những giải pháp mà chuyên gia này lưu ý chính là cần nghiên cứu để rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ.

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn khảo sát, xác định hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Trên cơ sở đó, khi lựa chọn được nhà thầu sẽ xem xét cấp quyền khai thác này cho nhà thầu. Chính phủ cũng ban hành cơ chế đặc thù khai thác mỏ đất san lấp phục vụ cao tốc Bắc – Nam (rút ngắn thủ tục không thông qua đấu giá quyền khai thác, đơn giản hóa thủ tục nâng công suất, cấp giấy phép khai thác cho nhà thầu…). Nếu thực hiện theo các nghị quyết này giúp rút ngắn thủ tục hành chính từ 2 – 3 tháng.
Theo Quý Nguyễn

 

Link gốc: https://kinhtedothi.vn/dat-dap-nen-noi-am-anh-cua-cao-toc-bac-nam-giai-doan-2.html