Dân bức xúc vì nhiều ‘chuyện lạ’ trong đền bù giải phóng mặt bằng dự án nghìn tỷ ở Hà Tĩnh
Nhiều hộ dân tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chưa chịu bàn giao mặt bằng để thi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A vì họ cho rằng hội đồng giải phóng mặt bằng chưa thực hiện theo đúng quy định và có nhiều "chuyện lạ" trong công tác bồi thường.
Cột đèn tre được đền bù bằng giá cột sắt?
Mới đây, báo Tiền Phong nhận được đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về những bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A. Theo phản ánh, cuối năm 2021, thôn Kim Cương 2 có 85 hộ được thông báo và nhận tiền chi trả đền bù giải phóng mặt bằng. Thời điểm này có 84/85 hộ ký nhận tiền.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, nhiều hộ dân nhận thấy việc chi trả tiền chưa công bằng, chưa minh bạch nên yêu cầu Hội đồng Bồi thường Giải phóng Mặt bằng (HĐBTGPMB) huyện Hương Sơn kiểm đếm lại tài sản.
Cụ thể, người dân cho rằng công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng quy định khi giá đền bù không được niêm yết công khai từ đầu. Không những vậy quá trình thẩm định, kiểm kê tài sản ban giải phóng mặt bằng đã làm sai, khi giếng giả, cây giả cũng được đền bù như giếng thật, cây thật; cọc bê tông, hàng rào mượn về được chi trả tiền đền bù cao hơn; giá đền bù chênh lệch… Đáng nói quá trình thẩm định hồ sơ còn sai sót khi cọc đèn chiếu sáng bằng tre dài 3m nhưng lại được đền bù giá cọc sắt 1,7 triệu đồng.
Ngoài những nội dung phản ánh nêu trên, qua tìm hiểu của phóng viên, do việc kiểm kê tài sản ban đầu chưa thực hiện chặt chẽ dẫn đến việc có hộ đã 2-3 lần nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa thống nhất để bàn giao mặt bằng. Thậm chí những lần nhận tiền đợt 2 lại cao hơn đợt 1. Như hộ ông Trần Minh Thái, đợt 1 được đền bù 70 triệu đồng, sau đó đợt 2 tăng lên 180 triệu đồng; hộ anh Nguyễn Xuân Dương đợt 1 kiểm đếm chi trả 6 triệu đồng, lần 2 tăng thêm hơn 16 triệu đồng nhưng vẫn không đồng ý ký nhận.
“Mỗi lần kiến nghị họ lại kiểm tra và nâng giá đền bù cao hơn. Có hộ đền bù tới lần thứ 3 rồi vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Đáng lẽ phải họp dân, thông báo cụ thể từng mức giá đền bù để dân biết, chứ đền bù mỗi người một giá. Giờ chúng tôi cần là sự công bằng và minh bạch”, một người dân bức xúc nói.
Ông Trần Hồng Thuận (SN 1960, trú thôn Kim Cương 2) cho biết, gia đình ông được đền bù đợt 1 là 55 triệu đồng. Nhưng nhận thấy chưa chi trả đúng nên yêu cầu kiểm tra lại và được tăng lên lần 2 thêm 3 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình ông Thuận vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.
“Tôi không bàn giao mặt bằng vì thiếu sự công bằng, chặt chẽ trong việc kiểm kê tài sản và áp giá đền bù. Nếu niêm yết giá công khai từ đầu, dân biết để kiểm tra thì đã không xảy ra những vấn đề như vậy”, ông Thuận nói.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sửu (SN 1973) cũng chưa bàn giao mặt bằng vì đòi hỏi sự công bằng. Bà cho rằng đất có bìa đỏ, cây cối, giếng, đường ống nước bị ảnh hưởng nhiều nhưng đền bù giá lại thấp hơn với các hộ dân khác và không đúng với giá thực tế.
“Đợt 1 được nhận 53 triệu đồng, sau khi tôi thắc mắc họ xuống tại nhà nói được nhận thêm 13 triệu đồng nữa nhưng tôi không đồng ý. Giờ đền bù giá như thế nào phải công khai, chứ giá cả chênh lệch nhau sẽ gây thiệt hại cho dân” bà Sửu cho hay.
Xã khẳng định làm đúng quy trình, huyện nói lập đoàn kiểm tra
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thọ – Thôn trưởng thôn Kim Cương 2 (xã Sơn Kim 1) cho hay, ngay từ đầu phương án bồi thường của ban giải phóng mặt bằng đã không được thực hiện theo đúng quy định khi không niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.
Ông cũng cho biết, bản thân là trưởng thôn nhưng không nhận được biên bản áp giá bồi thường cho từng hộ dân trong thôn để theo dõi, kiểm tra.
“Hiện tại ở thôn có nhiều hộ dân dù đã nhận tiền nhưng chưa đồng ý bàn giao mặt bằng vì họ cho rằng chưa minh bạch. Đáng lẽ phải tổ chức họp dân, công khai giá cụ thể nhưng hội đồng giải phóng mặt bằng lại không làm vậy, chỉ đến khi dân phản ánh về kiểm tra lại mới thấy thiếu sót. Mỗi lần kiểm tra lại thì cứ thêm tiền chi trả dẫn đến chênh lệch giữa các hộ”, ông Thọ nói.
Dù người dân và trưởng thôn phản ánh hội đồng giải phóng mặt bằng chưa thực hiện theo đúng quy định nhưng ông Hoàng Văn Thư – Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 lại cho rằng: “Việc phản ánh là do chưa hiểu đúng quy định pháp luật”.
“Dân phản ánh chưa niêm yết giá công khai từ đầu, nhưng tôi khẳng định các quy trình đã làm đầy đủ theo quy định, có niêm yết giá. Là người đứng đầu xã tôi cũng khẳng định hội đồng giải phóng mặt bằng không có sự tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân”, ông Thư nói khi trao đổi với phóng viên.
Cũng theo ông Thư, hiện có 17 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Việc phải chi trả lần 1, lần 2 là do quá trình làm cần đẩy nhanh tiến độ nên có thể làm thiếu của dân vì thế khi kiểm tra lại thì đã tính toán và chi trả lại đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn cho biết, huyện đã thành lập đoàn về kiểm tra, xác minh làm rõ những phản ánh trên.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đoạn Km37 – Km85+300 (từ thị trấn Phố Châu đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 22/10/2010. Dự án có tổng mức đầu tư 1.662,931 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 4 làm bên mời thầu. Dự án được khởi công từ năm 2014 đến nay với 11 gói thầu xây lắp.
Theo Hoài Nam
Link gốc: https://tienphong.vn/dan-buc-xuc-vi-nhieu-chuyen-la-trong-den-bu-giai-phong-mat-bang-du-an-nghin-ty-o-ha-tinh-post1489255.tpo