Anh không “đòi quà”

Nhắc đến vụ Việt Á, hẳn ai cũng thấy nhức nhối nỗi đau.

Hơn 20 cán bộ và những người liên quan đã bị khởi tố liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á.

Chính vì tính chất “đặc biệt nghiêm trọng”, ngay từ đầu năm 2022 (ngày 20/1), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), khi chủ trì Phiên họp thứ 21 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, đã nhấn mạnh năm 2022 sẽ tập trung chỉ đạo xử lý và đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.

Chắc khi chỉ đạo vụ việc này, người đứng đầu Đảng cũng không khỏi đau lòng.

Thưa, càng điều tra, nhiều “khoảng tối” càng phát lộ. Theo tin tức mới nhất, Giám đốc CDC Hậu Giang khi “trả lại” 450 triệu đồng đã không báo cáo Thanh tra Chính phủ.

Theo Nghị định 59/2019 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.

Câu chuyện “nhận quà” của Việt Á, được phát lộ ở nhiều tỉnh, thành phố cho thấy: có thể lãnh đạo nhiều CDC địa phương không “đòi quà”, nhưng “quà” có sức “công phá” đặc biệt. “Quà” kích hoạt lòng tham, lâu nay vốn trú ngụ trong người các cá nhân (cho dù vị trí công tác, hàm cấp nhiều vị khá lớn) và đến lượt, khi “nhận ra” việc “trả lại quà” cũng không minh bạch? Thậm chí có cơ quan thanh tra tỉnh, mang đến sự ngạc nhiên cho dư luận khi bản kết luận thanh tra không hề nhắc tới tên Công ty Việt Á, vốn “quen mặt” với hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Người ta có quyền đặt câu hỏi về sự bao che của địa phương cho các cá nhân lỡ “nhận quà”, hoặc vì sợ địa phương tai tiếng mà “lờ đi”? Khi cá nhân “nhúng chàm” không còn liêm sỷ thì việc đấu tranh để gọi sự việc đúng với bản chất của nó là trách nhiệm của cơ quan tố tụng.

Biết bao giám đốc CDC địa phương từng tuyên bố “không nhận đồng nào”, không “được cốc nước” đã lần lượt “xộ khám”. Vụ Việt Á, chạm đến nỗi đau tổng thể, trong đó có nỗi đau về đạo đức làm người, đạo đức cán bộ.

Theo Ngô Đức Hành/Báo Pháp luật

Link gốc: https://baophapluat.vn/anh-khong-doi-qua-post446072.html