COVID-19 thành bệnh thông thường, nên giải thể các bệnh viện dã chiến?
COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B, vậy các bệnh viện dã chiến trên cả nước sẽ giải quyết thế nào?
“Đắp chiếu” thời gian dài
Tháng 8/2021, trong bối cảnh số lượng nhiễm COVID-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận không ngừng gia tăng, Bệnh viện dã chiến số 13 khẩn trương được xây dựng và đi vào hoạt động với quy môn điều trị 3.300 giường bệnh. Bệnh viện ra đời đã giúp hệ thống y tế phía Nam giảm tải lượng lớn bệnh điều trị COVID-19 vào thời điểm đó.
Đến tháng 12/2021, số lượng người nhiễm COVID-19 giảm dần, cuộc sống trở lại bình thường, 15/16 bệnh viện dã chiến ở TP.HCM được đóng cửa, giải thể. Duy nhất bệnh viện dã chiến số 13 được giữ lại để đề phòng trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.
Ông Nguyễn Hải Nam – Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – thông tin, với việc dịch COVID-19 chuyển sang nhóm B, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đang xem xét để giải thể Bệnh viện dã chiến số 13.
“Để tránh lãng phí trang thiết bị trong bệnh viện, sở y tế đã chuyển các thiết bị này về các bệnh viện và ngay khi cần kích hoạt trở lại thì chuyển trở lại cho Bệnh viện dã chiến số 13”, ông Nam nói.
PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải (Trưởng Khoa Hồi sức – Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19) cũng cho biết, từ 1/2/2023 đến nay, cơ sở y tế này không còn bệnh nhân nhập viện nên đơn vị tạm thời đóng cửa.
“Suốt thời gian đóng cửa, bệnh viện luôn duy trì đội ngũ bảo vệ giữ gìn cảnh quan, cơ sở vật chất và thiết bị máy móc. Các thiết bị, máy móc khám chữa bệnh được tập trung về kho và bảo quản trong phòng lạnh. Vì thế, tất cả thiết bị này đều trong trạng thái hoạt động tốt”, bác sĩ Hải nói.
Hiện Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội thống nhất đã chủ trương cho phép chuyển đổi công năng của Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 thành địa điểm khám, điều trị bệnh cho người dân.
Quyết định này sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 1, đồng thời tận dụng các máy móc, thiết bị, tránh lãng phí tại bệnh viện dã chiến, ông Hải nói.
Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 là cơ sở được đầu tư bài bản, trang bị thiết bị hiện đại. Trong trường hợp dịch bệnh nguy cơ bùng phát trở lại, bệnh viện dã chiến luôn sẵn sàng và đủ khả năng ứng biến để tiếp nhận, điều trị, khống chế dịch bệnh.
Giải thể hay chuyển công năng cần tính toán hợp lý
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phần lớn các địa phương đã giải thể bệnh viện dã chiến tiếp nhận, điều trị bệnh COVID-19. Bộ Y tế đang xem xét các bệnh viện dã chiến còn lại chuyển đổi mục đích sử dụng để hoạt động theo hướng đáp ứng khám chữa bệnh thông thường.
“Cơ sở khám chữa bệnh y tế thông thường có điều kiện về cơ sở vật chất khác với bệnh viện dã chiến. Do đó, để bệnh viện dã chiến này chuyển đổi công năng cần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định hiện hành”, ông Khoa nói thêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – cho rằng, khi COVID-19 không còn thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm A, việc giải thể hay chuyển đổi công năng bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 là cần thiết nhưng làm sao hợp lý để sử dụng vật chất trang thiết bị hiệu quả nhất.
“Việc giải thể hay chuyển đổi công năng không phải thể hiện việc chúng ta lơ là, chủ quan với dịch COVID-19 nhưng cần nhìn vào thực tế để thay đổi”, ông Phu nói. Các trang thiết bị đầu tư cho bệnh viện dã chiến cần sớm đưa ra sử dụng để tránh lãng phí tài sản công.
Mặt khác, khi chuyển cơ sở dã chiến thành địa điểm khám chữa bệnh sẽ giảm tải được lượng lớn bệnh nhân đổ về các bệnh viện trong thành phố.
Thống kê của Bộ Y tế thời gian qua cho thấy số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, đa phần ca mắc nhẹ, có thời điểm không ghi nhận ca nặng vào điều trị. Cùng với đó nhiều tháng nay Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong.
Ngay cả khi chưa chuyển nhóm bệnh COVID-19, nhiều hoạt động phòng chống dịch tại nước ta đã thực hiện, như phòng chống các bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm việc mở cửa, đi lại, du lịch, hội họp đã nới lỏng hoàn toàn.
Chúng ta chỉ tập trung xét nghiệm giám sát nguy cơ, không cách ly diện rộng. Ngay tại cơ sở khám chữa bệnh, khi có bệnh nhân COVID-19 cũng không thực hiện cách ly khu vực riêng mà chỉ cách ly ở khoa phòng có bệnh nhân điều trị.
“Việc đeo khẩu trang hiện không còn bắt buộc mà chỉ khuyến khích người dân đeo khẩu trang và khử khuẩn để bảo vệ sức khỏe. Do đó, công bố COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B tại thời điểm này có thể xem là thủ tục”, PGS Phu nói.
Về công tác phòng dịch, PGS Trần Đắc Phu cho rằng vẫn cần có những giám sát, đánh giá nguy cơ. Thực tế dù WHO cho rằng COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không thể mất cảnh giác.
“COVID-19 vẫn có thể có những biến chủng mới do tính không ổn định của virus này. Việc giám sát nguy cơ sẽ giúp chúng ta không bị động trước diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đây cũng là lý do để Bộ Y tế ban hành kế hoạch quản lý phòng chống dịch bền vững”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo cần truyền thông để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, mất cảnh giác vì COVID-19 cũng có thể biến chủng bất thường. Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với tổ chức quốc tế tiến hành xét nghiệm, đánh giá nguy cơ nếu tình hình bệnh dịch có dấu hiệu phức tạp và quay trở lại vẫn đáp ứng tốt mà không bất ngờ.
COVID-19 chuyển nhóm B, người bệnh trả viện phí thế nào?
Theo ông Phan Văn Toàn – Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), trước đây người mắc COVID-19 đến khám và điều trị đều được miễn phí 100%, ngân sách nhà nước sẽ thanh toán.
Tuy nhiên, từ khi chuyển sang thành bệnh thông thường, những người mắc COVID-19 khi đi khám, điều trị sẽ thanh toán theo quy định về bảo hiểm y tế. Người không có bảo hiểm y tế sẽ phải tự chi trả.
Tác giả: Như Loan – Hoàng Thọ
Nguồn: vtc.vn