Vì sao nhiều hồ sơ chế độ thanh niên xung phong ở Nghệ An bị trả lại?
Hàng nghìn trường hợp thanh niên xung phong ở Nghệ An làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định, nên bị trả lại.
Tháng 3.2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.
Mục tiêu phấn đấu trong năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và công an tỉnh, thành phố trở lên.
Theo đó, Nghệ An là địa phương có số lượng người tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) rất đông đảo với hơn 4,8 vạn người qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và các công trình xây dựng đất nước, gần 570 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Thực hiện Quyết định 408 của Bộ LĐTBXH, các địa phương thuộc tỉnh Nghệ An đã xác lập hàng nghìn bộ hồ sơ gửi về Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, số hồ sơ được chấp nhận rất ít. Được biết, thời gian qua, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An xét duyệt, gửi 15 bộ ra Bộ LĐTBXH, nhưng chỉ có 3 bộ được chấp nhận.
Theo ông Hoàng Ngọc Châu – Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An, nguyên nhân do các bộ hồ sơ chưa đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
“Để đủ căn cứ minh chứng có bị thương là rất khó, do hồ sơ đã bị thất lạc. Chỉ trường hợp đối tượng bị thương, còn mảnh kim khí trong người thì đủ căn cứ xác nhận” – ông Hoàng Ngọc Châu cho biết.
Ông cũng nói thêm, hiện nay, cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng hoàn thiện, bổ sung hồ sơ, trường hợp nào đủ điều kiện thì trình cấp có thẩm quyền duyệt, giải quyết.
“Tôi rất mong thanh niên xung phong và các đối tượng khác được hưởng chế độ người có công, tuy nhiên hồ sơ phải đầy đủ, đúng quy định. Những trường hợp hồ sơ bị trả về, người làm chính sách rất trăn trở” – ông Hoàng Ngọc Châu chia sẻ.
Theo đại diện Hội cựu TNXP tỉnh Nghệ An, khó khăn, bấp cập nhất hiện nay là do điều kiện công tác trong chiến tranh và thời gian đã quá lâu, các cựu TNXP không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh bị thương.
Có trường hợp vết thương thực thể thì có, nhưng hồ sơ không chứng minh được. Nhiều người đợi quá lâu, đến khi qua đời cũng chưa được giải quyết chế độ.
Theo Quang Đại
Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/vi-sao-nhieu-ho-so-che-do-thanh-nien-xung-phong-o-nghe-an-bi-tra-lai-1219372.ldo