Tổ liên gia ở Nghệ An tổ chức diễn tập chữa cháy trong đêm

Tình huống giả định: Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phòng khám trung tâm tiêm chủng vắc xin. Khi phát hiện đám cháy, chủ cơ sở đã bật hệ thống chuông báo cháy của Tổ liên gia để báo động.

0

Tối 10/9, tại Nghệ An, buổi thực tập phương án chữa cháy diễn ra tại Tổ liên gia an toàn PCCC số 16, khối 3, phường Lê Lợi. Tham dự có Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó Cục trưởng Cục C07, Bộ Công an.

Phát biểu tại buổi thực tập, Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó Cục trưởng Cục C07, Bộ Công an, nhấn mạnh: “Mô hình Tổ liên gia đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu hộ, cứu nạn của các hộ gia đình; qua đó tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, Tổ liên gia đã phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản”.

Lực lượng chức năng, người dân, các em nhỏ tham gia thực tập.

Tình huống giả định: Hồi 19h30 phút ngày X tháng Y năm Z xảy ra cháy tại khu vực phòng khám trung tâm tiêm chủng vắc xin Việt An với diện tích 50m2 nằm tại phía trước tầng 1 ngôi nhà số 72, đường Lý Thường Kiệt do ông Trần Việt An làm chủ hộ.

Nguyên nhân cháy là do sử dụng quạt treo tường tại phòng khám nhưng quên tắt. Do hoạt động liên tục dẫn tới động cơ bị nóng, cuộn dây mô tơ của quạt bị chập cháy… Chất cháy là vải, da, đệm mút, gỗ, nhựa nên đám cháy phát triển nhanh và tạo ra nhiều khói, khí độc. Khi xảy ra cháy, trong nhà có 2 người lớn. Bà Huệ thấy mùi khét, đi ra xem thì phát hiện có cháy, đã hô to “cháy, cháy, cháy,…”. Đồng thời đến vị trí đặt chuông báo cháy của Tổ liên gia ở chân cầu thang tầng 1 để báo động.

Khi nghe tiếng hô “cháy” của vợ, ông An ra hành lang thấy khói nên đã hoảng loạn chạy ra ban công tầng 2 tìm cách thoát nạn. Phát hiện nhà số 72 bị cháy, có người mắc kẹt, anh Sơn (hàng xóm) đã lấy búa tạ, xà beng đến phá cửa đưa bà Huệ thoát ra ngoài.

Ngay khi vụ việc xảy ra, chuông báo động vang lên, các thành viên trong Tổ liên gia an toàn PCCC đã nhanh chóng có mặt, sử dụng các bình chữa cháy dập lửa, không để lây lan và di chuyển hàng hóa, người bị nạn mắc kẹt.

Diện tích đám cháy tại thời điểm phát hiện khoảng 6m2. Tình hình nguy hiểm, cần tới sự giúp đỡ của các thành viên tổ liên gia, chính quyền địa phương và lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Sơ cứu cho người bị thương.

Nhận được tin báo, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An cũng nhanh chóng có mặt tham gia chữa cháy và cứu hộ.

Buổi thực tập đã tác động tới nhận thức, trách nhiệm của người dân – lực lượng tại chỗ trong công tác PCCC ngay từ ban đầu, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, nhà để ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Trước tình hình đó, ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Bộ Công an ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác PCCC; trong đó chỉ đạo tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC và Điểm chữa cháy công cộng nhằm mục tiêu kịp thời, sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động người dân tham gia chữa cháy.

Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có 86.012 khu dân cư, trong đó có 4.923 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; trên 23 triệu nhà ở hộ gia đình; trên 1 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đến nay, có trên 37.462 mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC và 45.552 điểm chữa cháy công cộng.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn: tienphong.vn