Thanh tra tỉnh Nghệ An kết luận vụ nhiều giáo viên được nhà trường cho mượn đất nhưng không chịu trả
Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa có kết luận cụ thể về vấn đề 1 số giáo viên Trường PTTH Dân tộc Nội trú tỉnh mượn đất làm nhà và không chịu trả.
Nhiều kiến nghị không có cơ sở
Ngày 17/4, một nguồn tin cho biết, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có báo cáo của Tổ công tác liên ngành về kết quả kiểm tra, rà soát nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình tại khu tập thể và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An. Sau khi nhận được báo cáo, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát, kiến nghị của Thanh tra tỉnh để thực hiện theo quy định pháp luật. Kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/5/2024.
Đây là vụ việc mà Báo Nghệ An đã có nhiều bài phản ánh trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, kết quả kiểm tra cho thấy, toàn bộ phần diện tích đất ông Nguyễn Văn Kỳ sử dụng có nguồn gốc được Trường PTTH Dân tộc nội trú cho mượn đất để xây dựng nhà ở từ năm 2006, nằm hoàn toàn trong khuôn viên thửa đất của nhà trường. Việc ông Nguyễn Văn Kỳ cho rằng gia đình ông đã được bà Vượng cho thêm một phần diện tích đất để mở rộng khuôn viên là không có cơ sở, vì thửa đất số 110, tờ bản đồ số 20 (tiếp giáp phía Nam thửa đất ông Kỳ) từ thời điểm đo đạc năm 1999 đến nay có tổng diện tích và hình thể thửa đất không thay đổi qua các lần chuyển nhượng và hơn nữa, phía Nam thửa đất ông Kỳ đã xây dựng trên hệ thống mương thoát nước của nhà trường.
“Việc ông Nguyễn Văn Kỳ cho rằng nhà trường đã giao cho ông phần diện tích đất 58,5m là không có cơ sở, vì ông Nguyễn Văn Kỳ không cung cấp được giấy tờ nhà trường giao đất, không có sơ đồ vị trí thửa đất và diện tích đất cho mượn năm 2006”, báo cáo của Thanh tra tỉnh nêu.
Ngoài ra, cũng theo Thanh tra tỉnh, việc ông Nguyễn Văn Kỳ cho rằng gia đình ông đã lấn thêm một phần diện tích đất hoang của Nhà nước quản lý là không có cơ sở, vì bản đồ đo đạc năm 1993, 1999 thể hiện thửa đất của Trường PTTH Dân tộc nội trú có một phần phía Nam tiếp giáp thửa đất số 110, tờ bản đồ số 20 và bản đồ chỉnh lý hiện nay tiếp giáp thửa đất số 258, tờ bản đồ số 20 (phía Nam không tiếp giáp đất phường quản lý).
Tương tự, diện tích đất bà Sầm Thị Sơn sử dụng có nguồn gốc được Trường PTTH Dân tộc nội trú cho mượn đất để xây dựng gian nhà mới từ năm 2006, kinh phí xây dựng mới do gia đình chi trả, không phải cơi nới, sửa chữa gian nhà tập thể cũ.
Còn diện tích đất ông Thái Khắc Hoa, ông Lang Viết Chính và ông Trần Văn Sơn sử dụng có nguồn gốc được Trường PTTH Dân tộc nội trú cho mượn các gian nhà tập thể của nhà trường (có hợp đồng cho mượn nhà ở khu tập thể cán bộ giáo viên đề ngày 25/6/2006 có xác nhận của hiệu trưởng).
Tại thời điểm Tổ công tác kiểm tra, các hộ ông Thái Khắc Hoa, ông Lang Viết Chính và ông Trần Văn Sơn đã bàn giao mặt bằng để nhà trường tổ chức thi công theo quy hoạch. Hộ ông Nguyễn Văn Kỳ và bà Sầm Thị Sơn chưa bàn giao mặt bằng.
Cần sớm có phương án xử lý
Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú năm 2019, Thanh tra tỉnh cho rằng, căn cứ Khoản 1, Điều 25; Điểm c, Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức trong nước đang sử dụng đất được quy định như sau:
“I. Tổ chức trong nước đang sử dụng đất mà chưa được cấp giấy chứng nhận phải tự rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
Trên cơ sở báo cáo hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế sử dụng đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây:
c) Diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm; diện tích đất đã cho các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân thuê hoặc mượn sử dụng; diện tích đất đã liên doanh, liên kết trái pháp luật; diện tích đất không được sử dụng đã qua 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng chậm đã qua 24 tháng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xử lý theo quy định của pháp luật”.
Theo Thanh tra tỉnh, qua kiểm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú cho thấy: Khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Trường PTTH Dân tộc nội trú không báo cáo cơ quan có thẩm quyền diện tích đất đang cho 05 hộ dân sử dụng làm nhà ở; khi kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Nghệ An không phản ánh phần diện tích đất nhà trường đang cho 5 hộ dân sử dụng làm nhà ở, do đó tại thời điểm năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú mà chưa báo cáo và đề nghị UBND tỉnh quyết định xử lý đối với phần diện tích nêu trên là chưa đảm bảo theo quy định tại Khoản 1, Điều 25; Điểm c, Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ.
Chính vì vậy, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú năm 2019; báo cáo kết quả, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định pháp luật; Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với phần diện tích đất Trường PTTH Dân tộc nội trú đã cho các hộ mượn để xây dựng nhà ở nhưng chưa được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, làm việc với Tổ công tác, ông Nguyễn Văn Kỳ cho hay, về làm việc tại Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An từ năm 1984 đến năm 2007 ông được nghỉ hưu. Năm 1990, xét thấy hoàn cảnh của gia đình ông Kỳ khó khăn cho nên trường có cho ông mượn 1 căn phòng của khu tập thể để ở từ năm 1990 đến năm 2006.
Năm 2006, trường lấy lại căn phòng của ông Kỳ mượn để làm nhà ăn cho học sinh nên ông không còn chỗ ở, ông có xin phép hiệu trưởng nhà trường một phần đất để xây dựng nhà làm chỗ ở. Hiệu trưởng nhất trí cho ông đập bỏ khu nhà vệ sinh của nhà trường để xây dựng. Quá trình xây dựng ông có lấn chiếm một phần đất lưu không và xin bà Vượng (là hộ liền kề) khoảng 0,5 mét theo chiều rộng (ngoài phần đất nhà trường cho ông).
Cũng theo ông Kỳ, toàn bộ nhà ông có diện tích 4,5 m x 13m. Trong quá trình xây dựng nhà, UBND phường, Thanh tra Đô thị thành phố có đến kiểm tra nhưng không có ý kiến gì. Ông Kỳ không nhất trí với ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 216/STNMT ngày 10/01/2023 về việc xử lý vướng mắc tại khu tập thể Trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An.
Ông Kỳ cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường PTTH Dân tộc nội trú năm 2019 đã cấp lấn lên đất nhà ông (vì nhà ông xây dựng từ năm 2006). Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường là không đảm bảo quy định của pháp luật.
Còn theo phía nhà trường, từ năm 1984, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh ban hành Quyết định cho phép Trường PTTH vùng cao Nghệ Tĩnh (nay là Trường PTTH Dân tộc nội trú) được sử dụng đất cũ của Phân viện thiết kế máy nông nghiệp với tổng diện tích là 13.000m2 để xây dựng trụ sở. Khu tập thể là một phần diện tích của khu đất được UBND tỉnh cho phép trường sử dụng tại quyết định này.
Trước năm 2000, khu tập thể có 2 dãy. Đến năm 2005 do yêu cầu xây dựng nhà ăn cho học sinh, khu tập thể này có thay đổi: Dãy 2 tháo dỡ hoàn toàn; dãy 1 chừa lại 3 gian phòng. Năm 2006 sau khi định hình khu vực xây dựng nhà ăn, xét thấy còn nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo nhà trường họp xét cho các gia đình mượn nhà ở (có đơn xin mượn nhà ở và hợp đồng kèm theo); các gia đình được ở lại dãy 1 có 3 phòng của dãy nhà ký túc xá cũ được nhà trường cho mượn theo hợp đồng mượn nhà ngày 25/06/2006.
Do không còn phòng ở, mà bên cạnh dãy nhà ký túc xá còn một khoảng đất trống để làm vườn rau, công trình vệ sinh, hệ thống mương thoát nước; xét điều kiện khó khăn của gia đình thầy Nguyễn Văn Kỳ và cô Sầm Thị Sơn, nhà trường đồng ý cho hai gia đình mượn khoảng đất trống để xây mỗi gia đình một gian nhà nối tiếp với dãy nhà ký túc xá cũ theo hợp đồng mượn nhà ngày 25/06/2006; Do đó khu tập thể hiện tại có 5 hộ gia đình.
“Từ trước đến nay, nhà trường không có chủ trương phân phối, bố trí cho cán bộ, giáo viên để sử dụng đất làm nhà ở và các mục đích khác; không có văn bản, chủ trương nào liên quan đến việc thanh lý tài sản đối với các gian nhà tập thể này”, báo cáo của nhà trường gửi Thanh tra tỉnh nêu.
Từ năm 2019, phía nhà trường đã thông báo với 5 hộ gia đình này về dự án xây dựng khu ký túc xá cho học sinh, yêu cầu các hộ bàn giao mặt bằng trong vòng 1 năm theo như hợp đồng cho mượn. Một số hộ đã xin lùi thời hạn đến 3 năm và được nhà trường chấp thuận. Tuy nhiên, đến năm 2023, khi nhà trường khởi công xây dựng dự án, 5 hộ gia đình không chịu di dời, yêu cầu được bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, theo phía nhà trường, để thực hiện dự án này, Nhà nước không cấp ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vì dự án được thực hiện hoàn toàn trong khuôn viên của nhà trường.