Siết chặt công tác quản lý đất đai

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ việc cán bộ, công chức, lãnh đạo tại các tỉnh, thành phố như: Khánh Hòa, Đồng Nai, Trà Vinh, Bình Dương... bị khởi tố, xét xử vì hành vi vi phạm trong quản lý đất đai. Từ những vụ việc như vậy, dư luận, bạn đọc bày tỏ sự đồng tình và tin tưởng, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc siết chặt quản lý tài sản công sẽ góp phần tạo cơ chế phòng ngừa sai phạm để có môi trường đầu tư bất động sản ngày càng minh bạch, công bằng.

Bà Lê Thanh Hoa, đảng viên Chi bộ Văn phòng 1, Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội: 
Bài học răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, lãnh đạo để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật

Chưa bao giờ có nhiều cán bộ lãnh đạo tại các tỉnh, thành phố bị đưa ra truy tố, xét xử vì liên quan đến những vi phạm quy định về quản lý đất đai như thời gian qua. Điều đó cho thấy, công tác đấu tranh với những hành vi tham ô, tham nhũng, làm trái quy định Nhà nước thực sự không có “vùng cấm”, không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”. Đây là bài học lớn có tính chất răn đe, cảnh tỉnh những người ở vị trí lãnh đạo để họ hiểu đúng vị trí, chức trách của mình, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, công sản; từ bỏ tư duy nhiệm kỳ…, đóng góp ngày càng nhiều hơn, thực chất hơn vào sự phát triển của địa phương, đất nước.

Đảng viên Nguyễn Quốc Hải, Chi bộ số 2, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng: Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác quản lý nhà nước

Qua theo dõi việc khởi tố hàng loạt cán bộ lãnh đạo tại các tỉnh, thành phố liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai; vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, gây thất thoát, lãng phí…, tôi nhận thấy hầu hết các vụ án đều có điểm chung. Đó là sự tha hóa, biến chất, lạm quyền của một bộ phận cán bộ chủ chốt. Khi những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm “lên ngôi”, hệ lụy tất yếu là kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị buông lỏng, thay thế bằng những “luật lệ riêng” do một số cán bộ lãnh đạo chi phối, nhằm phục vụ lợi ích nhóm. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, nhất thiết phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, công tác quản lý nhà nước là những nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Đảng viên Trần Trúc Thanh, Chi bộ 8, phường Trung Liệt (quận Đống Đa):  
Tin tưởng, kỳ vọng Hà Nội xử lý dứt điểm việc sử dụng đất sai mục đích

Tôi được biết, sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức kiểm tra, thanh tra, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đưa ra phương án, biện pháp xử lý nghiêm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Với 14 giải pháp đưa ra cùng sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội, tôi tin tưởng và kỳ vọng Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm việc sử dụng đất sai mục đích.

Ông Vương Đăng Cầu, Chi bộ thôn Quảng Tái, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa: 
Quản lý chặt từ khâu nghiên cứu, lập dự án đầu tư đến khi thực hiện

Các vi phạm về đất đai còn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm nên Hà Nội đã đưa ra giải pháp cụ thể như tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá đầu tư, bảo đảm quản lý chặt từ khâu nghiên cứu lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án theo quy định. Thực hiện kiểm tra, phân loại, xử lý với từng dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa giải phóng mặt bằng để thu hồi, hủy bỏ các quyết định… Nếu các cơ quan chức năng nghiêm túc triển khai các giải pháp mà UBND thành phố Hà Nội đề ra, công tác quản lý đất đai của Hà Nội sẽ có nhiều chuyển biến.

Ông Đặng Ngọc Vẻ, chung cư N02-T2, Khu Ngoại giao Đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm: 
Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát

Theo tôi, đây là tín hiệu tốt, thể hiện quyền lực, vai trò quản lý và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị trong việc bài trừ tham ô, tham nhũng; kiên quyết xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất, cố ý làm trái quy định pháp luật để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, qua những vụ việc này cho thấy, còn có những “kẽ hở” trong hệ thống pháp lý. Là những cán bộ đứng đầu các tỉnh, thành phố, những quyết định sai trái của các cá nhân này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại vô hình khác. Đây là bài học trong công tác quản lý, do đó cần sớm rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát trong quản lý tài sản công, đặc biệt là đất đai.

Theo Báo Hà Nội mới

Link gốc: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/1030448/siet-chat-cong-tac-quan-ly-dat-dai