Quy mô thành phố Vinh sau khi hoàn thành sáp nhập thị xã Cửa Lò và 6 xã của huyện Nghi Lộc

Sau khi hoàn thành mở rộng, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên hơn 181km2(đạt 115,59% tiêu chí), dân số khoảng hơn 461.600 người (đạt 301,45% tiêu chí), có 38 đơn vị hành chính xã, phường.

0

Tại Hội nghị cho ý kiến về dự thảo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An do Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức ngày 9/8, lãnh đạo tỉnh đã chốt phương án mở rộng thành phố Vinh.

Thành phố Vinh hiện nay khi chưa mở rộng có diện tích tự nhiên 105km2, dân số 348.846 người với 25 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 16 phường và 9 xã. Tỷ lệ đô thị đạt 64% tiêu chí.

Bản đồ hành chính của thành phố Vinh sau khi hoàn thành mở rộng địa giới hành chính. Sau khi mở rộng sẽ thành lập thêm một số phường từ các xã để đạt tiêu chí tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.

Theo đó, khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính, cùng với diện tích và dân số hiện hữu, thành phố Vinh sẽ có thêm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Cửa Lò với tổng diện tích 29,12km2 và dân số 57.445 người của 7 phường: Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Tân, Nghi Thu, Nghi Thủy, Thu Thủy; cùng diện tích 47,14km2 và dân số 55.310 người thuộc 6 xã của huyện Nghi Lộc gồm: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Thạch và Khánh Hợp.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ Nghệ An, sau khi hoàn thành mở rộng, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên hơn 181km2, dân số khoảng hơn 461.600 người với 38 đơn vị hành chính xã, phường.

Với việc sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 6 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh, lúc hoàn thành, Nghệ An sẽ còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 17 huyện); so với 21 đơn vị hành chính cấp huyện như hiện nay (1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện)

Năm 2021, quy mô giá trị sản xuất của thành phố Vinh đạt 55.511 tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 107,8 triệu đồng/người/năm và cao hơn 2,37 lần so với bình quân toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%.

Thành phố đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong năm 2016; năm 2021 đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC). Thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”.

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh hiện nay. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, một số lĩnh vực như: Du lịch, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin đã hình thành yếu tố trung tâm vùng khi thành phố Vinh thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Tại Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An vừa qua, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu: “Tập trung thực hiện sớm quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh để có định hướng phát triển bền vững, lâu dài”.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị để trở thành đô thị biển sẽ tạo cú hích thành phố Vinh phát triển toàn diện hơn, là một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Theo Thành Duy

Link gốc: https://baonghean.vn/quy-mo-thanh-pho-vinh-sau-khi-hoan-thanh-sap-nhap-thi-xa-cua-lo-va-6-xa-cua-huyen-nghi-loc-post257809.html