Phạt đền – hiểm họa Việt Nam cần tránh trước Trung Quốc

Trung Quốc ghi nhiều bàn phạt đền nhất vòng loại thứ hai World Cup 2022, còn Việt Nam bị thổi phạt nhiều nhất trong số 12 đội còn lại ở khu vực châu Á.

Trung Quốc hưởng sáu quả phạt đền trong 13 trận gần nhất, trung bình hơn hai trận họ lại kiếm được một quả 11m. Còn Việt Nam đã năm lần bị phạt đền chỉ trong sáu trận chính thức gần đây, trung bình cứ hơn một trận lại chịu phạt 11m.

Trung Quốc đã sút vào cả sáu quả phạt đền nói trên, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, có năm lần họ lừa được thủ môn đối phương về hướng sút. Còn Việt Nam thủng bốn bàn từ năm quả phạt đền gần đây, với một lần Đặng Văn Lâm cứu thua bằng chân trước cú đá của Theerathon Bunmathan tại Mỹ Đình. Văn Lâm không thể thi đấu trước Trung Quốc, và vì vậy nếu chịu phạt đền Việt Nam đối diện với nguy cơ rất cao bị thủng lưới.

Tình huống duy nhất Việt Nam bị phạt đền mà không thủng lưới ở vòng loại World Cup 2022, khi Văn Lâm phá bóng bằng chân từ cú sút 11m của Theerathon Bunmathan.

Trung Quốc cũng là đội tuyển ghi nhiều bàn từ phạt đền nhất ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, với năm bàn, chiếm gần 10% số bàn phạt đền ở vòng này. Syria đứng thứ hai với bốn bàn, còn Bahrain, Qatar, Nhật Bản, UAE và Hàn Quốc mỗi đội ba bàn.

Bốn trong năm quả phạt đền cho Trung Quốc đến theo một kịch bản, là tiền đạo đẩy bóng đi nhanh hơn so với tốc độ vào bóng của đối phương. Cú vào bóng đó biến thành pha phạm lỗi dẫn tới phạt đền. Còn Việt Nam cũng chịu hai quả phạt đền vì cách chuồi bóng chậm như thế, với lỗi của Bùi Tấn Trường ở trận gặp UAE và Quế Ngọc Hải với cầu thủ Saudi Arabia.

Những pha tranh chấp của cầu thủ Việt Nam ở những pha bóng bổng cũng có nguy cơ dẫn tới phạt đền. Thể hình cầu thủ Trung Quốc cao to hơn, và Việt Nam có thể thủng lưới nếu không dùng tiểu xảo khi giáp chiến. Nhưng, tiểu xảo ở mức độ nào để không bị thổi phạt là câu hỏi khó, chưa kể sự hiện diện của VAR tại vòng loại thứ ba. Việt Nam đã hai lần bị phạt đền vì trường hợp tương tự, với lỗi của Duy Mạnh trước Thái Lan, và Văn Hậu với tiền đạo Malaysia.

Wu Lei (Vũ Lỗi) đem về ba quả phạt đền gần nhất cho Trung Quốc, và cũng chính anh chuyển hoá thành ba bàn thắng. Tiền đạo CLB Espanyol thường bứt tốc rất nhanh, đẩy bóng đi ngay trước khi bị hậu vệ hoặc thủ môn đối phương phạm lỗi.

Trong trận gặp Philippines và Syria tháng 6/2021, Wu đều kiếm phạt đền từ pha bóng không phải ai cũng làm tốt như thế. Tốc độ, kỹ thuật và sự khôn ngoan của anh khiến thủ môn đối thủ phải phạm lỗi. Trò chơi FIFA 22 của EA Sports đánh giá điểm bứt tốc của Vũ là 86, cao hơn cả Cristiano Ronaldo, Jadon Sancho hay Jamie Vardy.

Tình huống Vũ Lỗi vượt qua thủ môn Philippines và bị phạm lỗi. Ảnh: AFP
Tình huống Vũ Lỗi vượt qua thủ môn Philippines và bị phạm lỗi. Ảnh: AFP

Kỹ thuật sút phạt đền của Wu cũng khá lạ lẫm. Trong quá trình chạy đà, anh luôn quan sát cử động của thủ môn. Nhưng, anh không ngừng lại trước khi sút giống Neymar hay Robert Lewandowski, cũng không nhảy chân sáo như Bruno Fernandes hay Quế Ngọc Hải. Wu lấy đà với tốc độ thường và đều cho tới khi sút. Nếu thấy thủ môn có xu hướng đổ người sang một bên, Vũ đá hướng ngược lại. Trong trận giữa Trung Quốc với Syria ở lượt cuối vòng loại thứ hai, thủ môn đối phương không hề cử động cho tới khi Wu làm động tác sút. Khi đó, Wu sút căng về góc trái, còn thủ môn Syria đổ người đúng hướng nhưng không kịp đẩy bóng ra.

Wu sút vào cả năm quả phạt đền được thực hiện cho Trung Quốc. Còn nếu tính cả sự nghiệp, tiền đạo 29 tuổi đá vào 8 và hỏng 3. Ba lần hỏng ăn đã xảy ra cách đây hơn ba năm.

Để tránh phạt đền, cầu thủ Việt Nam cần hạn chế xô đẩy đối phương khi tranh chấp trên cao, khép tay sát người khi chắn bóng, và đặc biệt tỉnh táo trong những pha lao vào tranh bóng năm ăn năm thua. Quế Ngọc Hải và các đồng đội cần nhớ khả năng thủng lưới từ việc để đối thủ vượt qua trong cấm địa không cao bằng từ phạt đền.