Nhận diện ma túy “thế hệ mới” xâm nhập học đường

Nhiều loại ma túy 'thế hệ mới' núp bóng trà sữa, thực phẩm đã xâm nhập học đường. Cần có nhiều hoạt động triển khai để ngăn chặn tình trạng này.

Buổi hội thảo có sự tham gia của toàn thể thầy cô giáo Trường THCS Chu Văn An.

Chiều 14/12, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường THCS Chu Văn An tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng nhận biết và phòng tránh các loại ma tuý “thế hệ mới” xâm nhập học đường. Buổi tập huấn có sự tham gia của Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; Ban Giám hiệu và thầy cô giáo Trường THCS Chu Văn An.

Tại buổi tập huấn, Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn – Đội phó Đội Chuyên đề, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý (CA TP Hà Nội) đã có những hướng dẫn cụ thể để nhận biết một số loại ma tuý thế hệ mới đang có dấu hiệu xâm nhập vào môi trường học đường như: ma tuý pha trộn “núp bóng” thực phẩm chức năng, ma tuý “trà sữa”, ma tuý “nước xoài”, cà phê vui, thực phẩm tẩm ướp, bùa lưỡi hay bóng cười, cỏ Mỹ và thuốc lá điện tử.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàn hướng dẫn thầy cô giáo nhận diện ma túy “thế hệ mới”.

Hội thảo đã phân tích nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma tuý. Trong đó xác nhận rõ 3 nguyên nhân đến từ phía lỏng lẻo trong quản lý con cái của gia đình; thiếu sân chơi lành mạnh trong xã hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi người chưa thành niên đang trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, buổi hội thảo cũng chỉ ra một số thủ đoạn của các đối tượng buôn bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thường sử dụng để lôi kéo, cưỡng bức học sinh, sinh viên sử dụng ma túy, tham gia buôn bán ma túy. Đồng thời đề nghị một số biện pháp phòng chống ma tuý trong nhà trường và trách nhiệm của học sinh.

Đại diện cơ quan CSĐT Tội phạm về ma tuý cũng đã chỉ ra những dấu hiệu nhận biết học sinh sử dụng trái phép ma tuý thế hệ mới từ việc thay đổi tâm sinh lý của học sinh. Các thầy cô cần chú ý tới học lực của các em khi xuất hiện hành vi trốn học, hay ngủ gật trong lớp, tính tình gắt gỏng, mệt mỏi… Bên cạnh đó chú ý đến việc các em hay tụ tập thành nhóm, tham gia nhiều hội nhóm kín hoặc tiêu nhiều tiền, vay mượn bạn bè.

Tại buổi hội thảo, nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ: “Trong quá trình công tác, bản thân tôi đã mắt thấy tai nghe nhiều vụ việc đau lòng về tác hại của ma tuý. Theo kinh nghiệm của tôi, các thầy cô nên tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu, nhận diện về tác hại của ma túy thế hệ mới”.Nhà báo Triệu Ngọc Lâm đề nghị nhà trường nên sớm tổ chức cuộc thi viết và cho biết sẽ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tặng bằng khen cho các học sinh tham gia đạt giải.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm đề nghị nhà trường có nhiều hoạt động về công tác phòng chống ma túy.

Ngoài ra, nhà báo Triệu Ngọc Lâm cũng gợi ý Trường THCS Chu Văn An phát động thêm một phong trào viết thư cho bạn phạm vi trong và ngoài trường. “Các em học sinh sẽ viết thư cho bạn, khuyên bạn, kể cho bạn nghe về tác hại của ma túy. Khi viết, các em sẽ tìm hiểu và thành thục các kỹ năng về công tác phòng chống tác hại của ma túy hơn” – Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cũng gợi ý nhà trường thành lập những CLB chiến sĩ nhỏ về phòng chống ma túy với nhiệm vụ nắm bắt tình hình các bạn trong lớp qua tác phong, nề nếp hay thói quen sử dụng đồ đạc, thức ăn lạ. Đồng thời lồng ghép kiến thức liên quan phòng chống ma túy học đường vào các phong trào thi đua như hoạt động làm báo tường.

“Tôi tin tưởng với sự linh hoạt và thấu hiểu tâm lý học sinh của các thầy cô, chúng ta sẽ đạt được mục đích lớn nhất là môi trường lành mạnh trong học đường. Đây là ước mơ của tôi, của thầy cô và của toàn xã hội” – Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm nhấn mạnh.

Cô Vũ Hạnh Nguyên- Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) phát biểu tại buổi hội thảo.

Cô giáo Vũ Hạnh Nguyên – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết, ngành giáo dục đánh giá rất cao công tác của thầy cô giáo trong công tác phòng chống ma túy bởi thầy cô là người gần gũi với các em, định hướng các em trong độ tuổi thay đổi tâm sinh lý. Thay mặt nhà trường, cô Hạnh Nguyên cảm ơn những ý kiến đóng góp của Nhà báo Triệu Ngọc Lâm và cho biết sẽ triển khai sớm các cuộc thi và tập huấn những phương pháp phòng chống ma túy xâm nhập học đường mới rút ra từ buổi tập huấn.

Tác giả: Xuân Phú

Nguồn: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn