Người Việt đầu tư Bitcoin: Mơ đổi đời, thích giàu nhanh

Nhiều người Việt đầu tư Bitcoin thắng lớn trong giai đoạn đầu và chuyển hướng sang mua bất động sản, siêu xe… song cũng có hàng ngàn người bị thiệt hại số tiền lớn bởi dính tới lừa đảo.

0

Thế hệ đầu chơi Bitcoin và giấc mơ đổi đời

Anh H ở Hà Nội, một trong những người đầu tiên chơi bitcoin, chia sẻ rằng vào khoảng năm 2012-2013, rất ít người hiểu rõ về bitcoin.

Thời điểm đó, thông tin về đồng tiền số này chủ yếu được biết đến qua các phương tiện truyền thông quốc tế, và giá của nó đã vượt qua 1.000 USD vào năm 2013. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, giá bitcoin đã giảm mạnh, chỉ còn 152 USD.

Thế hệ đầu chơi Bitcoin và giấc mơ đổi đời.

Anh H bắt đầu đầu tư vào bitcoin vào năm 2015, khi giá mỗi bitcoin khoảng 8 triệu đồng. Chỉ một tuần sau, anh đã mua thêm 20 bitcoin với tổng giá trị 160 triệu đồng. Theo anh, việc đầu tư vào bitcoin khác hẳn so với việc mua vàng hay ngoại tệ để giữ. Bitcoin có nhiều cách chơi như cho vay, ủy thác đầu tư hay “đào coin” (đầu tư vào máy móc để sản xuất bitcoin).

Đối với anh, khi mua bitcoin, anh không chỉ nắm giữ mà còn mang đi đầu tư để sinh lời. Trong khi nhiều người chỉ đầu tư 1-2 bitcoin, anh đã đầu tư 20 bitcoin và kiếm được khoảng 6 bitcoin mỗi tháng từ việc giao dịch.

Vào thời điểm đó, việc sở hữu vài chục bitcoin là điều bình thường, và trong nhóm của anh, phần lớn là các nhà đầu tư từ Sài Gòn với lượng đầu tư lớn.

Cuối năm 2017, anh cho biết giá bitcoin tăng lên đỉnh điểm, đạt 20.000 USD mỗi bitcoin (khoảng 400 triệu đồng). “Chúng tôi có một nhóm bạn chơi chung, ai mua xe hoặc tổ chức đám cưới đều tặng nhau bitcoin. Ngoài ra, còn có một quỹ mà mỗi người góp 1-2 bitcoin”, anh chia sẻ.

Lúc đạt đỉnh, anh H sở hữu khoảng 170 bitcoin, thường xuyên đi nước ngoài và sử dụng bitcoin để mua sắm, thanh toán khách sạn, cà phê. Trong nhóm bạn của anh cũng có nhiều người thắng lớn và phải thuê vệ sĩ để bảo vệ.

Anh H cho biết, thế hệ đầu tiên chơi bitcoin đã kiếm được nhiều tiền và hầu hết đều quy đổi thành biệt thự bên biển (tại Nha Trang và Phú Quốc), siêu xe, và vàng, trong đó có nhiều doanh nhân trẻ và người nổi tiếng.

“Tôi từng kiếm được cả triệu USD, nhưng cũng từng mất cả triệu USD”, anh chia sẻ. Anh kể lại rằng vào năm 2019, một cuộc tấn công của hacker đã nhắm vào nhiều sàn giao dịch bitcoin, và anh đã mất một số lượng lớn bitcoin. Đến năm 2020, trong ví của anh chỉ còn lại một ít bitcoin và anh đã đổi ra tiền Việt để mua bất động sản.

Theo anh H, giá bitcoin liên tục biến động, có lúc tăng mạnh, có lúc giảm sâu, và những biến động toàn cầu cũng ảnh hưởng đến đồng tiền điện tử này. Điều này không phù hợp với những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm.

Chính vì vậy, nhiều người đã mất tiền khi không hiểu biết hoặc đầu tư vào các sàn “scam” (lừa đảo), trong đó có rất nhiều nông dân ở các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây. Dù đầu tư vào lĩnh vực nào, anh H nhấn mạnh rằng “gốc vẫn là phải học”.

Cùng thời điểm đầu tư với anh H, chị T.T ở Hà Nội cũng được bạn bè rủ tham gia dù chưa hiểu rõ về bitcoin. Chị cho biết lúc đó mọi người đầu tư theo trào lưu vì ai cũng tham gia. Chị đã mua 10 bitcoin với giá 140 triệu đồng và chuyển vào sàn Bitkingdom. Thay vì rút lãi hàng tháng, chị đã cộng dồn lãi vào vốn để tiếp tục đầu tư. Thời đó, mỗi nhà đầu tư bỏ vào 1 bitcoin thì tháng sau sẽ nhận được 1,3 bitcoin.

Sau một thời gian, số bitcoin của chị T đã tăng từ 10 lên 23 bitcoin. Sau khi rút 3 bitcoin, chị để lại 20 bitcoin để đầu tư tiếp. Tuy nhiên, gần 15 ngày trước khi đến hạn rút, sàn thông báo gặp lỗi do đang nâng cấp. Một tháng sau, sàn thông báo sẽ chuyển đổi bitcoin thành đồng BKC do họ tạo ra, với tỷ lệ 1 bitcoin = 1 BKC.

Tiếp theo, sàn này bắt đầu quảng bá đồng AUREUS (AUR) sẽ được sử dụng trong Vương quốc Bitkingdom trên toàn cầu và tiến hành chuyển đổi từ BKC sang AUR (với giá 1 AUR từ 50 – 100 USD). Sau khi chuyển đổi, website bitkingdom.com đã bị xóa sổ. Giá của AUR cũng giảm mạnh xuống còn 0,5 USD/AUR, và sau đó trang AUREUS.com bị khóa, họ đã tẩu tán tài sản.

Chị T cho biết có rất nhiều người đã bị lừa đảo tại sàn Bitkingdom với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chị cảm thấy may mắn khi mất số tiền không quá lớn và đã nhận được bài học quý giá cho bản thân.

Người Việt thích giàu nhanh!

Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố vào tháng 5/2024 cho thấy, trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền kỹ thuật số (tiền số, tiền mã hóa) lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau UAE. Cụ thể, trong năm qua, Việt Nam có gần 21 triệu người sở hữu tiền số, chiếm tỷ lệ 21,2% dân số, cao hơn Mỹ ở vị trí thứ ba (15,6%).

Trong năm qua, Việt Nam có gần 21 triệu người sở hữu tiền số, chiếm tỷ lệ 21,2% dân số, cao hơn Mỹ ở vị trí thứ ba (15,6%).

Tỷ lệ người dân sở hữu tiền số ở UAE dẫn đầu thế giới với 30,4% do chính sách thân thiện của chính phủ với công nghệ mới. Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính của nước này đã có những hướng dẫn và quy định liên quan đến việc mua và bán tiền số. Trong khi đó, Việt Nam không cho phép giao dịch hàng hóa bằng tiền số, còn việc sở hữu tiền số vẫn trong vùng xám, khiến đây trở thành tài sản hấp dẫn.

Hồi tháng 3/2025, dữ liệu từ công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis của Mỹ cũng cho thấy người chơi tại Việt Nam kiếm lời từ tiền số nhiều thứ ba thế giới, lợi nhuận đạt 1,18 tỷ USD năm 2023. Việt Nam cũng là một trong 8 nước có lợi nhuận từ tiền số đạt trên một tỷ USD.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về tiền số, và phần lớn người chơi có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Ông cho rằng điều này đáng lo ngại, vì theo thói quen, lớp tuổi này sẽ tiếp tục chơi tiền số và dần dần lan sang các lứa tuổi khác.

Theo quan sát của TS Hiển, việc người Việt chơi tiền số nhiều không có gì bất ngờ và phản ánh một xu hướng đã tồn tại trong nhiều năm qua, đó là người Việt có thiên hướng tìm kiếm cơ hội kiếm tiền nhanh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chứng khoán, nhà đầu tư thường lướt sóng, trong khi ở bất động sản, họ lại có xu hướng mua với giá cao để bán lại với giá cao hơn. Nếu không có sự quản lý từ nhà nước, có lẽ hiện nay kênh đầu tư vàng cũng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lướt sóng tương tự.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hiển, Nhà nước cần duy trì giá trị đồng tiền thông qua việc quản lý ngân sách và cung tiền giống như các nước phát triển. Khi đó, lãi suất gửi ngân hàng hay trái phiếu chính phủ không cần phải cao (chỉ cần hơn CPI từ 1 đến 2%) thì người dân vẫn sẽ lựa chọn gửi tiền. Hơn nữa, việc lãi suất gửi thấp sẽ là nền tảng cho vay lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn với chi phí hợp lý để phát triển. Cũng theo TS Hiển, không cần lo tiền sẽ chảy vào vàng hay bất động sản, bởi nếu giá trị đồng tiền được giữ vững, thì việc vay để mua đất hay vàng sẽ phát huy sức mạnh của lãi kép.

Tóm lại, nếu đồng tiền giữ được giá trị, số lượng người tham gia vào các kênh kiếm tiền nhanh sẽ giảm, trong khi những người làm ăn tích lũy và đầu tư bài bản sẽ ngày càng gia tăng.

Sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý

Tiền số là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong gần 10 năm nay. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) Cao Đăng Vinh, thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Do đó, đến nay các nước cũng có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này.

Sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý.

Ông Vinh đánh giá rằng tài sản số và tiền số tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị lợi dụng và chiếm đoạt. Ông thừa nhận rằng Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể nào và chưa công nhận tiền số là một loại tài sản.

Theo ông, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản số và tiền số, đồng thời ban hành quy định cấm các hành vi rủi ro hoặc lợi dụng để chiếm đoạt tiền số và tài sản số.

Quốc hội đã từng đề nghị Chính phủ sớm thiết lập hành lang pháp lý cho loại tài sản mới này. Đến tháng 2 năm nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh các tài sản số cùng với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan. Ông Cao Đăng Vinh cho biết, khi Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ có quan điểm rõ ràng hơn.

Để phòng ngừa lừa đảo, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng khi tham gia đầu tư tài chính qua các ứng dụng đầu tư, sàn giao dịch quốc tế, tiền kỹ thuật số, và các website hoặc ứng dụng quảng cáo lãi suất cao. Người dân nên tự bảo vệ mình để tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Tác giả: Lệ Trần

Nguồn: vietnamfinance.vn