Nghệ An: Nhường đất cho thủy điện rồi mỏi mòn chờ khu tái định cư

Hai khu tái định cư khẩn cấp cho người dân tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) bị ảnh hưởng bởi nhà máy thuỷ điện; sau hơn 5 năm triển khai vẫn chưa xong. Có người dân đã không chờ được khu tái định cư (TĐC) để đến làm nhà ở, đến khi mất đi vẫn phải thờ trong các lều tạm bợ. Khu đất từng bỏ tiền tỷ ra làm mặt bằng để xây khu TĐC nhưng xảy ra sạt lở lại vẫn được lựa chọn làm dự án tái định cư lần thứ hai và tiếp tục xảy ra sạt lở.

Khu tái định cư 17 hộ dân đầu tư nhiều tỷ đồng, đến nay mới chỉ có 4 hộ vào làm nhà ở.

Hai lần chi tiền tỷ, 2 lần sạt lở

Năm 2014, Nhà máy thuỷ điện Nậm Nơn đi vào hoạt động. Xã Lượng Minh có 34 hộ dân bị ảnh hưởng do nằm dưới cốt nước ngập.

Tháng 7/2018, việc di dời khẩn cấp 34 hộ dân xã Lượng Minh ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm được UBND tỉnh Nghệ An cho phép lập dự án với số tiền 14,8 tỷ đồng. Trong lúc đang khảo sát vị trí thực hiện dự án thì vào cuối tháng 8/2018, 31 hộ dân nằm dưới hạ lưu thuỷ điện Bản Vẽ xả lũ bị ảnh hưởng nặng nề, một số nhà bị sạt lở, nước cuốn trôi. Chính quyền địa phương nhanh chóng đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, dựng lều lán ở tạm, để tránh những thiệt hại về người đáng tiếc có thể xảy ra.

Dự án san lấp mặt bằng khẩn cấp để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở tại xã Minh Mình với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng; và dự án khu TĐC để bố trí chỗ ở khẩn cấp cho 17 hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, huyện Tương Dương thuộc vùng hạ lưu thủy điện Bản Vẽ; được phê duyệt hơn 5,1 tỷ đồng; tổng cả hai dự án là hơn 7,34 tỷ.

Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết, quá trình khảo sát mặt bằng chưa tìm ra quỹ đất, một số hộ dân đã tự ra ở xen với người thân trong vườn anh em họ hàng. Dự án khu tái định cư cho 17 hộ sân được lựa chọn tại khu vực Khe Cồng. Còn khu TĐC cho 34 hộ được lựa chọn tại khu vực khe Có Hò.

Tại khu vực triển khai TĐC cho 17 hộ dân trước đó vào năm 2012 cũng được lựa chọn làm địa điểm xây dựng khu TĐC một lần. Theo ông Phúc, năm 2013 tại địa điểm này dự án làm mặt bằng TĐC được triển khai xây dựng với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Đến năm 2014 khi khối lượng đã đạt khoảng 70 – 80% thì mặt bằng xuất hiện vết nứt dài nên không tiếp tục triển khai nữa.

Thế nhưng, năm 2018, cũng tại vị trí này lại được lựa chọn xây dựng khu TĐC cho 17 hộ dân. Và một điều trùng hợp nữa là vào năm 2020, khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng, đã tiến hành cho một số hộ dân bốc thăm để vào làm nhà ở ổn định; thì lại tiếp tục xuất hiện vết sạt trượt mái taluy dương kéo tụt cả một hệ thống bờ kè.

Số hộ dân đang dựng nhà tạm tại khu TĐC đã không dám ở lại mà lập tức dọn đồ đi nơi khác khiến khu vực thành một nơi hoang vắng. Huyện cũng lập tức đình chỉ không đưa người dân vào ở, để đảm bảo an toàn.

Nhiều người dân vẫn chưa được an cư

Sau thời gian hơn 2 năm trôi qua, một số hộ dân không chờ đợi được, đã tìm những khu đất khác của người nhà đến dựng nhà ở tạm. Còn tại khu TĐC 17 hộ dân, qua 2 năm theo dõi không có hiện tượng sạt trượt xảy ra, năm 2022 huyện đã mời đoàn khảo sát địa chất tiến hành khoan khảo sát.

Đến tháng 8/2022, kết quả cho thấy chỉ ảnh hưởng phần mái taluy dương, phần tuy âm vẫn đảm bảo, có thể cho người dân đến ở. Đến thời điểm này đã có 11 hộ dân trong số những hộ thuộc diện TĐC, đã làm đơn xin được làm nhà tự do nơi khác, do thời gian chờ đợi quá lâu.

Mới đây, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân vào điểm TĐC để làm nhà sinh sống. “Hiện nay, có 2 hộ làm nhà kiên cố sinh hoạt ổn định, 2 hộ dân khác vừa tiến hành khởi công làm nhà vào đầu tháng Hai âm lịch. Hai hộ dân dự kiến tháng Sáu sẽ vào làm nhà. Còn các hộ dân khác đều đã tìm được nơi ở mới do thời gian chờ đợi khu TĐC quá lâu”, ông Phúc cho biết.

Theo ông La Văn Thái, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện, khi thực hiện dự án khu TĐC cho 17 hộ dân, huyện bỏ kinh phí thực hiện trước, nhưng sau đó nguồn vốn bố trí chậm nên dự án mãi mới hoàn thành. Đến tháng 11/2021, số vốn được cấp cho dự án này là hơn 3,4 tỷ đồng trong tổng số 7,34 tỷ đồng. Do tuyến mương đã bị sạt trượt đổ vỡ nên đang xin bổ sung kinh phí làm bờ kè khoảng hơn 2 tỷ đồng. Nếu tính ra số tổng số tiền đã thi công cả 3 dự án trên là hơn 9,34 tỷ đồng; đến nay tiếp tục đề xuất kinh phí thêm khoảng 2 tỷ đồng để sửa chữa là hơn 11 tỷ đồng. Dù một số tiền rất lớn đã được đầu tư nhưng đến nay mới chỉ có 4 hộ vào ở.

Còn tại khu TĐC cho 34 hộ, đến nay cơ bản đã hoàn thành mặt bằng; nhưng có 14 hộ đã mua đất, xây nhà đến sinh sống nơi khác ổn định do không chờ được. Theo ông Phúc, dự kiến các hạng mục còn lại của khu TĐC sẽ hoàn thành trước tháng 10/2023 để các hộ dân vào ở ổn định cuộc sống. Đến nay vẫn có 12 hộ dân trước đó nằm trong số 31 hộ bị ảnh hưởng chưa được bố trí nơi ở. Do trong lúc quy hoạch khu TĐC 31 hộ, đã có 12 hộ xin được vào khu TĐC 34 hộ, nhưng do không đảm bảo diện tích tối thiểu cho mỗi hộ dân nên phải đưa ra ngoài, đến nay chưa có vị trí để bố trí TĐC.

Chị Vi Thị Lương, người dân bản Lạ cho biết, gia đình chị bị ảnh hưởng khi thuỷ điện xả lũ nên nhà cửa trôi hết, phải dựng lều ở tạm gần 5 năm nay. Nhà chị được đền bù 80 triệu, vừa qua khi khu TĐC đã ổn định, chị mới đến bắt thăm nhận đất vay mượn xây dựng nhà hơn 250 triệu để làm nhà ở.

Sau 5 năm xây dựng khu TĐC, có một số người chết không chờ được đến nơi ở mới. Những người này khi mất đi phải làm đám tang ở những căn lều tạm bên đường. Đến nay, một số hộ cũng chưa được đến điểm TĐC để xây dựng nhà ở, ban thờ vẫn được để trong những căn lều nằm bên dòng sông Nậm Nơn.

Theo Ngô Toàn

Link gốc: https://baophapluat.vn/nghe-an-nhuong-dat-cho-thuy-dien-roi-moi-mon-cho-khu-tai-dinh-cu-post469500.html