Nghệ An: Mạnh tay xử lý hoạt động tín dụng đen

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen''.

Phá nhiều vụ án lớn

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng chức năng chủ công là Công an Nghệ An triển khai các đợt cao điểm triệt phá, điều tra các chuyên án, vụ án liên quan đến tín dụng đen. Nhiều vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.

ực lượng Công an thu giữ nhiều tang chứng, vật chứng liên quan đến đường dây tín dụng đen 1.000 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Bình Minh

Điển hình ngày 11/7/2021, Công an TP. Vinh chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Nam Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, TX. Cửa Lò, TX. Hoàng Mai huy động hơn 300 cán  bộ, chiến sỹ đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở đối với 4 nhóm, 52 đối tượng trú tại TP. Vinh, một số huyện trên địa bàn Nghệ An và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thu hơn 5 tỷ đồng, 960 hợp đồng mua bán xe (hợp đồng cho vay), 3 xe ô tô, 20 xe máy, 96 ĐTDĐ, 50 máy tính, 20 USB, 24 con dấu, 158 BKS xe ô tô; phong tỏa 24 tài khoản ngân hàng.

Quá trình đấu tranh bước đầu xác định: Các nhóm đối tượng trên đã cho vay tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng, với lãi suất từ 3.000 – 8.000đồng/1 triệu/1 ngày, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án, khỏi tổ 52 bị can, trong đó đã tạm giam 43 đối tượng.

Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét tại 51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu: Bình Minh

Tiếp đó, ngày 15/12/2021, Công an thành phố Vinh chủ trì, phối hợp Công an các đơn vị, địa phương huy động 500 CBCS phối hợp Công an các tỉnh, thành phố khám xét khẩn cấp đối với 51 cơ sở văn phòng đại diện của Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt trên 28 tỉnh, thành phố trên cả nước; bắt giữ 22 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Quá trình đấu tranh, bước đầu Cơ quan điều tra đã chứng minh, làm rõ được số tiền các đối tượng sử dụng để cho vay là hơn 1.000 tỷ đồng, với hơn 10.000 bị hại trên khắp cả nước, mức lãi suất cao nhất là 5.000 VNĐ/1 triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm, phong tỏa 56 tài khoản ngân hàng, thu giữ hàng nghìn tài liệu và các vật chứng liên quan.

Công an tỉnh Nghệ An đồng loạt triển khai bắt, khám xét tại 51 đại lý của Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh tư liệu Trọng Đại.

Riêng tại huyện Diễn Châu, từ ngày 21/4/2022 đến 9/5/2022, Công an đã phá thành công chuyên án, bắt 11 vụ, 11 đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; thu giữ 12 điện thoại di động và nhiều giấy tờ, hợp đồng liên quan đến việc cho vay tiền của các đối tượng. Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng xác định, từ giữa năm 2021 đến thời điểm bị bắt giữ, 11 đối tượng nói trên đã tiến hành cho nhiều người dân vay với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng, với lãi suất từ 3.000 – 5.000 đồng/1.000.000 đồng/ngày (tương đương từ 108 – 180%/năm); thu lợi bất chính hơn 8 tỷ đồng.

11 đối tượng bị bắt vì hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2022, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 121 vụ, 227 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý vi phạm hành chính 21 vụ, 23 đối tượng. Bắt, khởi tố 5 vụ, 6 bị can về các hành vi có liên quan đến tín dụng đen như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Kết thúc điều tra chuyển 109 vụ, 138 bị can đến Viện KSND các cấp để truy tố (đã truy tố 102 vụ, 184 bị can). TAND đã thụ lý 112 vụ, 198 bị can; đưa ra xét xử 107 vụ, 191 bị can.

Bên cạnh chỉ đạo triển khai các chuyên án, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tại các cơ sở có hoạt động kinh doanh có điều kiện về ANTT, hoạt động ngân hàng, tín dụng. Trong 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 , Công Nghệ An đã thành lập 54 đoàn, kiểm tra 377 lượt, kiểm tra 408 cơ sở, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 99 cơ sở. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An triển khai 91 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, kiểm tra, đã ban hành 533 kiến nghị liên quan đến hoạt động tín dụng, 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức tin dụng trên địa bàn với tổng số tiền 371,1 triệu đồng.

Từ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” không còn hoạt động công khai, manh động, tràn lan như trước. Nhiều cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ tài chính dừng hoạt động hoặc chuyển địa bàn kinh doanh. Tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, tường, cây xanh, trên các website và mạng xã hội giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân cũng được nâng cao, nhiều chương trình hỗ trợ tài chính của hệ thống Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân nên số lượng người dân tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh giảm.

Vẫn tiềm ẩn phức tạp

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 265 cơ sở cầm đồ, 49 cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính (so với cùng kỳ năm 2019, giảm 261 cơ sở cầm đồ, giảm 72 cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính).

Lực lượng Công an tiến hành khám xét tại một công ty dịch vụ tài chính. Ảnh tư liệu Xuân Bắc.

Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan chức năng, do khó khăn về kinh tế vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài, các đối tượng tiếp tục lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với lãi suất cao nhằm mục đích lừa đảo với số tiền lớn dưới các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, tham gia họ, hụi… Ngoài ra, số đối tượng đi vay sử dụng tiền đi vay để đầu tư kinh doanh hoặc tham gia các tệ nạn xã hội tiếp tục tìm đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền còn tiềm ẩn lớn.

Ngoài sử dụng các hình thức truyền thống như: Ngụy trang việc cho vay bằng sử dụng hợp đồng thuê tài sản, việc trả lãi thể hiện qua trả tiền thuê; cắt lãi trước, không ghi lãi vào hợp đồng… Các đối tượng sẽ tăng cường sử dụng mạng internet, các phần mềm quản lý để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Hoạt động vay tiền được thực hiện qua các ứng dụng trên mạng internet thông qua các hình thức vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại di động (App)… Bên cạnh đó, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng lập hàng trăm bát phường cho mọi người tham gia, thời gian 1 kỳ phường ngắn với số tiền 1 kỳ đóng lớn dẫn đến vỡ hụi gây nhiều hệ lụy xã hội.

Quyết liệt và đồng bộ

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh quán triệt tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Yêu cầu ngành chức năng tập trung rà soát, nắm tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dựng đen”, đảm bảo xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Cán bộ Công an huyện Diễn Châu kiểm tra tang vật thu giữ trong chuyên án liên quan đến tín dụng đen. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Lựa chọn một số vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án gây bức xúc trong dư luận để xác định án trọng điểm, tổ chức xét xử lưu động nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, với dịch vụ nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.

Tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Quốc hội : Đánh giá lại tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội này và nâng khung hình phạt đối với tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Bởi hiện nay theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là phạt tù đến 3 năm, như vậy đây là tội ít nghiêm trọng. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối vói đối tượng còn khó khăn và mức án nhẹ không tạo được sự răn đe đối với tội phạm (trong khi đó, nhiều đối tượng hoạt động “tín dụng đen” là đối tượng hình sự cộm cán).

– Kiến nghị Chính phủ bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp cho vay tiền không có cầm cố tài sản (hình thức tín chấp). Bởi để xử lý hành chính hành vi cho vay lãi nặng bắt buộc phải có 2 yếu tố là “Cho vay tiền có cầm cố tài sản” và “lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước, hiện có 2 hình thức cho vay là thế chấp và tín chấp, trong đó, hình thức thế chấp là có yếu tố đảm bảo bằng tài sản, còn tín chấp thì không. Trên thực tế, đối tượng thực hiện “tín dụng đen” thường cho vay dưới hình thức tín chấp không có tài sản đảm bảo. Do đó, việc xử lý hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng đối với đối tượng hoạt động “tín dụng đen” còn gặp khó khăn.

 Đề nghị có hướng dẫn rõ hơn về hoạt động tham gia phường, hụi, đặc biệt là hướng dẫn xử lý hành vi đối với hành vi này khi vi phạm để xử lý răn đe; đề nghị có quy định cụ thể các khoản được thu trong hoạt động cho vay cầm đồ để tránh tình trạng cho vay cầm đồ hoạt động tín dụng đen (ngoài việc thu lãi cho vay cầm đồ, còn thu phí quản lý tài sản, cho thuê tài sản…).

– Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu Chính phủ có chính sách xây dựng cơ chế xếp hạng chấm điểm tín dụng cho cá nhân để làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, cá nhân, hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức tín dụng trong việc triển khai các sản phẩm cho vay không có tài sản đảm bảo.

Theo Khánh Ly/Báo Nghệ an

Link gốc: https://baonghean.vn/nghe-an-manh-tay-xu-ly-hoat-dong-tin-dung-den-306801.html