Nghệ An khẩn cấp gia cố hồ đập để ứng phó mưa lũ

Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tỉnh Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa nước, trong đó, có 55 hồ, đập lớn; 220 hồ đập vừa và 786 hồ đập nhỏ. Hiện tại, đã có gần 400 hồ được nâng cấp, sửa chữa, còn trên 700 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Nâng cấp hồ chứa Đồng Diệc ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Trường Văn

Hồ đập đảm bảo tưới tiêu, cắt lũ

Hồ chứa không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài trong việc đảm bảo tưới, tiêu, cắt lũ vùng hạ du…

Tại huyện Nghĩa Đàn có trên 170 hồ, đập lớn, nhỏ, hầu hết những công trình hồ, đập trên địa bàn chủ yếu do các xã quản lý; Phần lớn các hồ chứa trên đều được xây dựng thủ công từ những năm 1980-1990 về trước, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động từ thiên tai, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay, nguy cơ mất an toàn cao.

Trước mùa mưa lũ, huyện Nghĩa Đàn đã kiểm tra, rà soát và chỉ đạo các xã chủ động “4 tại chỗ” tại các hồ chứa ách yếu, đặc biệt là lên kế hoạch di dời các hộ dân vùng ảnh hưởng hồ chứa ách yếu đến nơi an toàn.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phủ Quỳ cho biết: Đơn vị quản lý 19 hồ chứa lớn, nhỏ hiện đang triển khai nâng cấp 2 hồ chứa ách yếu, gồm hồ chứa Đồng Diệc ở xã Nghĩa Lộc trị giá 9 tỉ đồng và hồ chứa Lò Than ở xã Nghĩa Long trị giá 3,5 tỉ đồng. Đến nay, các hồ chứa này đạt trên 60% khối lượng, đặc biệt, đã cơ bản hoàn thành các công trình vượt lũ. Theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tại địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có khá nhiều hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng. Như hồ chứa Mai Tân ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, có dung tích khoảng 0,9 triệu m3, phục vụ nước tưới cho gần 100ha lúa. Đập được xây dựng từ những năm 1980, thân đập chủ yếu đắp thủ công, mái kè xuất hiện nhiều điểm sụt lún và hở hàm ếch, vào mùa mưa nguy cơ vỡ đập đe dọa 800 hộ dân phía dưới hạ lưu của các xóm Tiến Thành, Đồng Tâm, Mai Tân, Xuân Sơn.

Toàn huyện Tân Kỳ có 110 hồ chứa, trong đó, có một số hồ có hiện tượng rò rỉ mất an toàn trong mùa mưa lũ, như hồ chứa Khe Là ở xã Phú Sơn có dung tích 2,5 triệu m3 có hiện tượng thấm cục bộ dọc thân đập. Hồ chứa Khe Thần ở xã Nghĩa Bình bị rò rỉ nước nhiều vị trí tại thân đập có chiều dài 200 mét. Hiện nay, tỉnh đang bố trí nguồn vốn trên 700 triệu đồng để khoan phụt vữa chống thấm các điểm rò rỉ.

Tập trung nâng cấp các hồ yếu

Hiện Nghệ An đang tập trung nâng cấp khá nhiều các hồ chứa xung yếu. Tại huyện Yên Thành đang tiến hành nâng cấp 3 hồ chứa trị giá trên 45 tỉ đồng; hồ chứa Côn Côn ở xã Bảo Thành được đầu tư xây dựng trên 17 tỉ đồng, hiện đã thi công được trên 80% khối lượng, hoàn thành bờ đập với chiều dài trên 300m, hoàn thành lát đá hạ lưu và thượng lưu, thi công xong phần cống, nhà vận hành.

Các hồ chứa khác như hồ Khe Cày ở xã Kim Thành, hồ chứa xã Lý Thành đã hoàn thành các công trình vượt lũ, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng. Huyện Yên Thành có trên 200 hồ chứa lớn, nhỏ, trong đó, có nhiều hồ chứa cũ.

Theo kế hoạch thời gian tới, huyện Yên Thành tiếp tục rà soát để lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và vốn Nhà nước triển khai nâng cấp các hồ chứa ách yếu khác, gồm đập Bàn Vàng và Nhân Tiến ở xã Tiến Thành trong mùa mưa lũ 2022 từng bị vỡ.

Ngày 10.8, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Theo đó, công điện giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân; Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân.

Theo Đại Lâm

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/nghe-an-khan-cap-gia-co-ho-dap-de-ung-pho-mua-lu-1227843.ldo