Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chính là yếu tố góp phần cản trở sự vận hành và phát triển của đất nước. Bộ máy quá đông người lắm khi cũng là sự lãng phí lớn nguồn ngân sách.

Người dân làm thủ tục nhà đất ở UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Cách nào xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, để đất nước phát triển và vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới? Tuổi Trẻ trích giới thiệu ý kiến bạn đọc cùng bàn về chuyện này.

* PGS.TS Võ Văn Sen (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương):

Có thể giảm 1/3 lượng người hưởng lương ngân sách

Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 2.

“Tinh giản” và “kiêm nhiệm” là hai vấn đề cần quan tâm. Cần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Tổ chức lại hệ thống có sự gắn kết nhưng không chồng chéo.

Đây chính là cuộc cải cách lớn chứ không chỉ là cải cách hành chính bình thường, cần xem đây là mục tiêu lớn của công cuộc đổi mới.

Nếu làm được, có thể giảm được 1/3 lượng người đang hưởng lương từ ngân sách, trong đó có những chức danh hưởng lương nhưng không thực sự cần thiết.

Đồng thời có thể tổ chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, giảm tối đa chức danh chuyên trách trong hệ thống.

Trong đó việc lựa chọn, đào tạo đội ngũ rất quan trọng, phải đưa vào đội ngũ những người thực sự có năng lực, am hiểu nhiều lĩnh vực, đủ khả năng kiêm nhiệm.

Chuyển đổi số là giải pháp tối ưu để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Đây là công việc thời gian qua chúng ta làm rất nhanh và cần làm nhanh hơn nữa.

Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 3.

* Ông Lê Văn Thấn (quận Tân Bình, TP.HCM):

Phải xem xét yếu tố đặc thù của đô thị lớn

Phải xác định mục đích của tinh gọn bộ máy là giải quyết các nhóm vấn đề của người dân được nhanh, gọn hơn, không phải trình nhiều bước nhiều khâu như hiện nay.

Tinh gọn bộ máy cũng nhằm tiết kiệm ngân sách. Qua đó sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, người dân cũng dễ dàng giám sát hoạt động của các cấp.

Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy phải đồng thời xem xét các việc phát sinh từ thực tiễn. Phải xem xét những yếu tố đặc thù của những đô thị lớn như TP.HCM để đảm bảo công việc được chạy xuyên suốt, không bị gián đoạn.

* PGS.TS LÊ MINH THÔNG (nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội):

Thay đổi cách ứng xử từ “cho phép” sang “phục vụ”

Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 4.

Đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả phải được xem là một cuộc cách mạng thực sự, nếu không quyết liệt thì khó thành công.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này phải làm từ trên xuống, tức là phải có chương trình, chủ trương từ trên áp xuống mới thay đổi được.

Cần mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy Đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm.

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương cần tăng cường sử dụng bộ máy nhà nước làm chức năng tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách.

Đối với bộ máy nhà nước và công chức nhà nước phải kiên quyết vượt qua được tư duy quyền uy của lối quản lý truyền thống, tiến tới tư duy nghĩa vụ, trách nhiệm, thay đổi cách ứng xử từ “cho phép” sang “phục vụ” trong mối quan hệ với công dân.

Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội theo hướng tinh gọn. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp để tháo gỡ những nút thắt về thể chế đang gây khó khăn cho sự phát triển.

Quốc hội chỉ ban hành luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn. Sắp xếp hợp lý các cơ quan thuộc Quốc hội theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực…

Đồng thời tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hợp lý theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ quản lý chỉ do một bộ chịu trách nhiệm…

* Ông Nguyễn Văn Quỳnh (trưởng ban công tác mặt trận Thuận Lập B4, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng):

Chuyển đổi số cũng là cách tiết kiệm

Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 5.

Nghe thông tin 70% ngân sách được chi cho bộ máy, tôi khá bất ngờ vì con số này quá cao.

Như vậy chỉ còn 30% chi cho đầu tư phát triển thì khó có đột phá, khó trở thành động lực để phát triển kinh tế cho đất nước.

Người dân muốn được chăm lo an sinh tốt hơn nữa thì phải có ngân sách lớn để chi cho các hoạt động đầu tư phát triển.

Tôi thấy đặt vấn đề tinh giản bộ máy là rất đúng trong bối cảnh này. Trong khi đó hiện nay nhiều dự án được kỳ vọng (như đường sắt cao tốc rất cần tiền), nếu không có nguồn thì đất nước khó phát triển.

Hiện nay cả nước chuyển đổi số rất mạnh thì việc con người làm việc hiệu quả hơn là tất yếu. Như tôi làm trưởng ban công tác mặt trận 12 năm nhìn thấy rất rõ điều này.

Trước đây có công việc gì cần triển khai thì chúng tôi tranh thủ mỗi lần họp tổ dân phố vào cuộc họp các quý. Có những lúc có nhiệm vụ trên triển khai phải phân công nhau đi gõ cửa từng nhà.

Gõ cửa hơn 60 hộ dân phải mất cả ngày trời, vừa tốn thời gian vừa phiền phức, nhiều khi lại không gặp đúng người cần triển khai có ở nhà.

Bây giờ các tổ dân phố đều có các nhóm mạng xã hội nên cần việc gì triển khai ngay trên nhóm là người dân tức thời nhận được thông báo.

Như vậy, việc ứng dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số đã thay đổi rất nhiều, tiết kiệm công sức thời gian rất nhiều thì không có lý do gì không thể thực hiện tinh giản biên chế để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

* Anh Trần Đình Tăng (quận Gò Vấp, TP.HCM):

Khuyến khích cán bộ công chức tự chuyển đổi công việc

Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 6.

Vẫn còn tình trạng tăng biên chế do tuyển chọn đầu vào không chặt chẽ, việc tinh giản và giải quyết đầu ra không kiên quyết.

Nhiều cán bộ công chức nghỉ hưu không đúng tuổi quy định, nhiều cán bộ yếu kém cả trình độ, năng lực chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức chưa được kịp thời đưa ra khỏi bộ máy.

Nguyên nhân là do công tác sàng lọc, tinh giản biên chế không được tiến hành thường xuyên; việc thực hiện chính sách tinh giản và giảm biên chế chưa hiệu quả; các quy định về khuyến khích cán bộ công chức từ chức, chuyển đổi công tác ít được quan tâm, hoàn thiện.

Ngoài nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị thì cũng cần khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức kém năng lực, không đảm bảo sức khỏe có thể mạnh dạn từ chức hoặc tự nguyện chuyển đổi công tác phù hợp.

Chú trọng tinh thần chủ động từ chức của cán bộ công chức cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, khuyến khích cán bộ tự nguyện từ chức. Việc thực hiện phải nhằm mục đích hình thành một nét văn hóa từ chức.

Thứ hai, việc từ chức phải thể hiện được tinh thần tự nguyện, tự giác của cán bộ công chức. Cán bộ công chức phải thấy được khi bản thân không đủ năng lực, điều kiện, tiêu chuẩn, không đáp ứng yêu cầu công việc thì chủ động xin nghỉ, đó mới là nêu gương.

Thứ ba, hoàn thiện chế độ, chính sách, xây dựng văn hóa nêu cao tinh thần gương mẫu, tự nguyện từ chức tiến tới xây dựng những quy định mang tính pháp lý để bắt buộc những người không tự giác phải từ chức.

* GS.TS PHÙNG HỮU PHÚ (nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương):

Cần phân vai cho rõ

Muốn nước giàu, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả - Ảnh 6.

Muốn tinh gọn bộ máy cần nhất phải có một mô hình tổng thể. Lâu nay chúng ta cứ “nhập vào rồi lại tách ra”, đó là do thiếu một mô hình tổng thể nên dẫn đến “hôm nay bảo cần, mai lại bảo không cần”.

Vì vậy, phải hoàn thiện cho được và trên mô hình tổng thể đó mới có thể điều chỉnh, sắp xếp một cách khoa học các cơ quan, đơn vị, bộ máy. Còn nếu không có sẽ lại tình trạng “gặp đâu hay đó”.

Trong điều kiện hiện nay, cần xác định rõ nhiệm vụ chức năng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và phân vai cho rõ để có một bộ máy phù hợp.

Cần có mô hình tổng thể, kèm theo đó là quyết tâm rất cao thực hiện. Tuy nhiên phải đúng, toàn diện, không được chủ quan duy ý chí và quan trọng hơn cả vẫn phải xây dựng cái gốc, trung tâm là lấy con người – cán bộ là chính.

Nguồn: tuoitre.vn