Kỳ vĩ thác bản Giốc của xứ Nghệ

Thác nước Hồng Sơn cao gần 100m đẹp kỳ vĩ thuộc xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được xem như thác bản Giốc của xứ Nghệ.

Cách cột mốc Cây số 0 khoảng 30km, thác Hồng Sơn nằm trong địa phận xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ. Đến đây du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì vĩ của dòng thác giữa núi rừng tây Nghệ.

Ngọn thác hoang sơ này chưa được nhiều người biết tới. Dòng thác cao gần 100m, chảy dài theo triền đá, ngày đêm tuôn những cột nước trắng xóa.

Thác Hồng Sơn đổ xuống từ một khe suối “mọc” từ trong lòng đất. Đây là bức ảnh chụp cận cảnh những cụm nước. Vào mùa mưa, nước thác chảy rất mạnh.

Để chinh phục thác, du khách phải trèo lên nhiều bậc thác, đôi khi phải trèo qua cả cây cối rậm rạp.

Đây là thác nước tự nhiên mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ ở xã Tân Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Có rất nhiều người đến trầm trồ với vẻ đẹp của thác Hồng Sơn, họ còn ví thác Hồng Sơn như thác bản Giốc của tỉnh Cao Bằng.

Thác có 4 bậc đá thoai thoải gối lên nhau, dòng nước tuôn chảy mềm mại như 1 dải lụa trắng buông mình xuống chân núi.

Các nhũ đá, thảm thực vật… tại khu vực thác tạo sự đa dạng của thiên nhiên cho thác nước.

Hiện nay, nhu cầu người dân đến với thác nước bắt đầu tăng lên nên phía chính quyền địa phương đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư.

Do chưa có đơn vị quản lý cụ thể nên thác nước vẫn đang ở dạng hoang sơ. Các loại rác thải do du khách mang đến vẫn vứt bừa bãi trong khuôn viên thác nước này. Đây được xem là hình ảnh không đẹp trong lòng du khách gần xa.

Ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết, huyện Tân Kỳ đã có đề án, chú trọng, tập trung đầu tư du lịch tại thác Hồng Sơn. Hy vọng đó sẽ là điểm nhấn du lịch của huyện Tân Kỳ.

Hiện nay, sân bãi đậu xe và đường vào thác đã được huyện Tân Kỳ quan tâm đầu tư. Những năm tới, với tiềm năng của mình, thác Hồng Sơn hứa hẹn là trung tâm du lịch huyện Tân Kỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung./.

Theo Hồ Phương/ANTT/NĐT

Link gốc: http://antt.nguoiduatin.vn/ky-vi-thac-ban-gioc-cua-xu-nghe-339708.htm