Kiến nghị chuyển hồ sơ sang Công an

2.459 m2 đất “vàng” được giao quyền quản lý, sử dụng cho Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (nay là Công ty Lương thực Nghệ An). Nhưng sau nhiều năm, đến nay, qua một cuộc kiểm kê quỹ đất thì mới tá hoả khi phát hiện toàn bộ diện tích đất nói trên đã biến thành đất ở...

2.459 m2 đất “vàng” nằm giữa lòng thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An giao quyền quản lý, sử dụng cho Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (nay là Công ty Lương thực Nghệ An). Nhưng sau nhiều năm, đến nay, qua một cuộc kiểm kê quỹ đất thì mới tá hoả khi phát hiện toàn bộ diện tích đất nói trên đã biến thành đất ở, đã được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có 3/6 hộ đã xây nhà kiên cố.

Dư luận đang đặt câu hỏi là: Ai đã ngang nhiên “phù phép” biến diện tích lớn đất công thành đất ở của cá nhân, và trong nhiều năm qua lực lượng chức năng Nghệ An vẫn không phát hiện, xử lý?…

Mua đất thật nhận chứng từ giả?

Khoảng tháng 8/2021, một số hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Chương đã làm đơn tố cáo ông Phạm Bá Thìn, nguyên Cửa hàng trưởng Cửa hàng Lương thực Thanh Chương về việc làm giả hồ sơ, giấy tờ bán hoá giá tài sản nhà tập thể của Cửa hàng hàng này. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền đã giao đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 6 hộ dân gồm: Bà Nguyễn Thị Linh, bà Lê Thị Thu, bà Nguyễn Thị Từ, bà Nguyễn Thị Hằng, bà Phan Thị Hợi và ông Trần Minh Dương, cùng trú tại khối 2, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, làm thiệt hại cho nhà nước.

Qua tìm hiểu được biết, ngày 16/11/1992, bà Nguyễn Thị Linh nộp tiền mua tài sản thanh lý của Cửa hàng Lương thực huyện Thanh Chương là 1/2 nhà 5 phòng với tổng số tiền 5 triệu đồng. Quá trình mua bán được lập phiếu thu số 103 của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương, do ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Phó Thủ trưởng đơn vị, ông Phạm Công Chính là kế toán trưởng, bà Quý là thủ quỹ. Ngày 22/11/1992, bà Nguyễn Thị Linh được cấp hoá đơn kiểm phiếu xuất kho số 023869, quyển số AB/91000796 do Cửa hàng lương thực Thanh Chương phát hành.

Tương tự, ngày 16/11/1992, bà Lê Thị Thu nộp 5 triệu đồng mua tài sản thanh lý là 1/2 nhà 5 Phòng, được lập phiếu thu số 104 của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương, do ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Phó Thủ trưởng đơn vị, ông Phạm Công Chính là Kế toán trưởng, bà Quý là thủ quỹ, phiếu thu không đóng dấu.

Ngày 22/11/1992, bà Nguyễn Thị Linh được cấp hoá đơn kiểm phiếu xuất kho số 023868, quyển số AB/91000796 do Cửa hàng lương thực Thanh Chương phát hành, ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Phó Thủ trưởng đơn vị.

Với hộ bà Nguyễn Thị Từ thì ngày 2/2/1998, bà Từ nhận chuyển nhượng một phận tài sản thanh lý của bà Lê Thị Thu mà bà Thu đã mua của Cửa hàng lương thực Thanh Chương từ năm 1992.

Hộ bà Nguyễn Thị Phương Hằng (Trên phiếu thu và hoá đơn ghi tên Nguyễn Thị Hằng) cũng cho biết: Ngày 27/6/2001, bà Hằng nộp tiền mua tài sản thanh lý với số tiền 6 triệu đồng, được lập phiếu thu số 28 của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương, do ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị, bà Quý là kế toán kiêm thủ quỹ.

Ngày 27/6/2001, bà Hằng được cấp hoá đơn kiểm phiếu xuất kho số 023872, quyển số AB/91000796 do Cửa hàng lương thực Thanh Chương phát hành, ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị.

Đất thuộc quyền quản lý sử dụng của Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh đã được cấp bìa đỏ cho người dân xây nhà kiên cố.

Cùng ngày với bà Hằng, hộ gia đình bà Phan Thị Hợi cũng nộp tiền mua tài sản thanh lý với số tiền 4 triệu đồng, được lập phiếu thu số 25 của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương, do ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị, bà Quý là kế toán kiêm thủ quỹ, phiếu thu không đóng dấu. Trong ngày, bà Hợi được cấp hoá đơn kiểm phiếu xuất kho số 023871, quyển số AB/91000796 do Cửa hàng lương thực Thanh Chương phát hành, ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị.

Đối với hộ gia đình ông Trần Minh Dương (trên phiếu thu và hoá đơn mang tên Trần Văn Dương) thì ngày 26/6/2001, ông Dương nộp tiền mua tài sản thanh lý với số tiền 5 triệu đồng, được lập phiếu thu số 24 của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương, do ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị, bà Quý là kế toán kiêm thủ quỹ.

Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, ngày 27/6/2001, ông Dương được cấp hoá đơn kiểm phiếu xuất kho số 023870, quyển số AB/91000796 do Cửa hàng lương thực Thanh Chương phát hành, ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị.

Một trong những phần đất của Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh đã được cấp bìa đỏ nhưng chưa xây dựng.

Đến năm 2017, các hộ gia đình nói trên đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được UBND huyện Thanh Chương cấp theo trình tự thủ tục.

Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Công an nhân dân được biết: theo bản đồ đo đạc năm 1999 thì đất của Cửa hàng Lương thực huyện Thanh Chương khu vực Đại Đồng thuộc thửa đất số 161, tờ bản đồ số 6, diện tích 2.145 m2 (Ngày 23/7/2008, thực hiện kiểm kê quỹ đất theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg thì Thửa đất số 161, Tờ bản đồ số 6, có diện tích 2.459 m2).

Qua tìm hiểu về quy trình, thủ tục thanh lý tài sản thì đến thời điểm hiện tại không có tài liệu, văn bản nào thể hiện chủ trương thanh lý tài sản và việc thành lập hội đồng thanh lý, xét duyệt đối tượng, giá thanh lý đối với số diện tích đất nêu trên của Cửa hàng Lương thực huyện Thanh Chương. Mặt khác, Cửa hàng lương thực Thanh Chương là đơn vị trực thuộc Công ty Lương thực Nghệ An (trước đây là Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh) cho nên Cửa hàng không có thẩm quyền bán tài sản (bán hoá giá nhà ở tập thể cho 6 cá nhân trên) vì đây là tài sản của Công ty. Hiện cũng không có tài liệu thể hiện việc Công ty này uỷ quyền cho Cửa hàng Lương thực huyện Thanh Chương bán thanh lý tài sản.

Cũng từ các nguồn tài liệu, được biết: việc cấp phiếu thu trong quá trình thanh lý nhà ở tập thể của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương, do ông Phạm Bá Thìn ký với chức danh Thủ trưởng đơn vị, thì thời điểm đó ông Thìn không giữ chức danh Cửa hàng trưởng, mặt khác, toàn bộ Phiếu thu của các hộ dân nêu trên đều không đóng dấu.

Vậy dư luận đang đặt câu hỏi là: Liệu chứng từ, hoá đơn của Cửa hàng Lương thực huyện Thanh Chương xuất cho 6 hộ gia đình nêu trên về việc thanh lý nhà ở tập thể của Cửa hàng này có phải là giả? Và tại sao giấy tờ giả mà vẫn được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hợp thức hoá việc bán trái phép hơn 2.400m2 đất thuộc quyền quản lý của Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh?.

Việc cấp bìa đỏ cho các hộ dân liệu đã chính xác?

Được biết, từ ngày 7/10/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND.ĐC về việc thu hồi diện tích 2.459 m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại thị trấn Thanh Chương do Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh đang quản lý, sử dụng. Lý do thu hồi: Do không có nhu cầu sử dụng.

Và theo Quyết định số 1444/QĐ-UBND ngày 11/4/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) huyện Thanh Chương thì khu vực đất của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương được quy hoạch làm đất ở và theo trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất ngày 24/10/2016 phục vụ thu hồi đất theo Quyết định số 385/QĐ-UBND-ĐC ngày 7/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An thì một phận diện tích của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương phải thu hồi, hiện trạng đang do 6 hộ gia đình sử dụng, trong đó có đất ở.

Bìa đỏ của hộ gia đình bà Phan Thị Hợi

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, việc thu hồi không được thực hiện, cho đến khi nhận được đơn tố cáo của người dân địa phương liên quan đến việc mua bán, sử dụng diện tích lô đất này thì ngày 4/8/2021, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Nghệ An mới có Văn bản số 628 về việc chuyển đơn tố cáo của công dân, trong đó đề nghị Thường trực Huyện uỷ Thanh Chương chỉ đạo UBND huyện kiểm tra, xác minh đơn thư.

Ngày 7/9/2021, UBND huyện Thanh Chương lập tổ kiểm tra để kiểm tra, rà soát việc Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 hộ gia đình, gồm: Bà Nguyễn Thị Linh, Lê Thị Thu, Nguyễn Thị Từ, Nguyễn Thị Hằng, Phan Thị Hợi và ông Trần Minh Dương tại khối 2, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương.

Bìa đỏ của hộ bà Nguyễn Thị Phương Hằng
Mặc dù thế, trả lời về việc kết luận kiểm tra, giải quyết các nội dung liên quan đến đơn của công dân, ngày 12/10/2021, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành Kết luận số 28 với nội dung cho rằng: Việc UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình trên là đúng theo quy định. Đồng thời khẳng định: Qua kiểm tra Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 hộ dân thì các giấy tờ có trong hồ sơ đều có đầy đủ chữ ký, con dấu của cơ quan ban hành giấy tờ đó. Qua làm việc với công dân có đơn thì công dân không cung cấp được các chứng cứ để chứng minh các giấy tờ có trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ nêu trên là giả do đó không có cơ sở để kết luận các giấy tờ có trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ nêu trên là giả.

Thanh tra làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm

Sau khi tiếp nhận đơn của Công dân, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã vào cuộc điều tra. Kết quả cho thấy: Cửa hàng Lương thực Thanh Chương là đơn vị trực thuộc Công ty Lương thực Nghệ An cho nên Cửa hàng không có thẩm quyền bán tài sản (nhà tập thể) vì đây là tài sản của Công ty. Hiện, không có tài liệu thể hiện việc Công ty uỷ quyền cho Cửa hàng bán thanh lý tài sản và không có hồ sơ, tài liệu thể hiện chủ trương thanh lý, việc thành lập Hội đồng thanh lý, xét duyệt đối tượng, đã thanh lý…

Tại thời điểm tháng 11/1992, các hoá đơn kiêm phiếu xuất kho đóng dấu Cửa hàng Lương thực Thanh Chương – Công ty Lương thực Nghệ An là không phù hợp, do Công ty Lương thực Nghệ An bắt đầu hoạt động từ ngày 29/12/1992 theo Quyết định số 2475 QĐ/UB ngày 28/12/1992 của UBND tỉnh Nghệ An; Giấy phép đăng ký doanh số 104725 ngày 29/12/1992 của Trọng tài Kinh tế Nghệ An; được cấp mã số thuế 2900326287 vào tháng 9/1998.

Tại thời điểm tháng 6/2001, hoá đơn kiêm phiếu xuất kho mẫu số 02B/BH, số seri 91 không có giá tị giá trị sử dụng, do kể từ ngày chế độ quản lý hoá đơn bán hàng ban hành kèm theo Quyết định số 885/1998/QĐ-BTC ngày 16/7/1998 có hiệu lực, các hoá đơn đuọc phát hành Quyết định số 54/TC/TCT ngày 20/2/1991 có seri 91 không còn giá trị sử dụng.

Hiện không có hồ sơ, tài liệu nào có thể hiện việc tại thời điểm tháng 11/1992, ông Phạm Bá Thìn là Cửa hàng phó Cửa hàng Lương thực Thanh Chương như chức danh ông Phạm Bá Thìn đã sử dụng khi ký các văn bản bán thanh lý tài sản.

Chữ ký của một số cá nhân trong hồ sơ mua nhà thanh lý (như: chữ ký của người nộp tiền trên Phiếu thu, chữ ký của người mua hàng trên Hoá đơn…) không phải do các cá nhân này ký mà do người khác (bố hoặc mẹ) ký thay.

Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nói trên của UBND thị trấn Thanh Chương và UBND huyện Thanh Chương, Thanh tra tỉnh Nghệ An cũng cho rằng: Các đơn vị này đã căn cứ vào các tài liệu bán thanh lý nhà tập thể của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương để xét, cấp đất ở, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đã mua nhà thanh lý nhưng chưa kiểm tra, xác minh tính hợp pháp, hợp lý của các tài liệu này.

Từ các  liệu, chứng cứ thu thập được, Thanh tra tỉnh Nghệ An nhận thấy nội dung công dân tố cáo là có cơ sở; có dấu hiệu phạm tội “làm giả tài liệu các cơ quan, tổ chức’’ (theo quy định tại Điều 341 Bộ luận Hình sự) và tội “ giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác’’ (theo quy định tại Điều 339 Bộ luận Hình sự) trong việc bán thanh lý tài sản nhà tập thể của Cửa hàng Lương thực Thanh Chương nên đã có công văn kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị UBND huyện Thanh Chương tạm dừng các thủ tục liên quan đến 6 thửa đất tại khu vực Cửa hàng Lương thực Thanh Chương để chờ kết luận, xử lý của cơ quan chức năng.

Theo Thùy Anh/CAND

Link gốc: https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/-kien-nghi-chuyen-ho-so-sang-cong-an-i657160/