Khám bệnh bảo hiểm y tế: Mệt mỏi, phiền toái khi xin giấy chuyển viện

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc đi khám bệnh bảo hiểm y tế, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là "rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi".

0
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

‘Xin đừng có cái danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán nữa’

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện.

Liên quan vấn đề bảo hiểm y tế, ông Trí nêu cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là “rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi”.

Ông cho rằng hiện công nghệ thông tin đã tiến bộ và việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông suốt.

Hiện tại, hơn 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế thì việc có thêm “barie đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ”.

Ông đề nghị đẩy mạnh tiến hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tới phải làm sao để người có bảo hiểm y tế muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc…

“Phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này”, ông Trí đề nghị.

Về tổng mức thanh toán hay giới hạn chi quỹ bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian một năm, theo ông Trí đã được điều chỉnh bằng nghị định 75/2023 của Chính phủ.

Có nghĩa các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hóa chất, vật tư gì sẽ được thanh toán thứ đó.

“Việc ban hành nghị định này đã chấm dứt sự phiền hà trong công tác khám chữa bệnh đã dùng dằng nhiều năm qua”, ông Trí nêu và mong muốn tiếp tục giám sát, thúc đẩy để nội dung nghị định triển khai thực chất, không bị biến chất.

Về bổ sung các loại thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế, ông đề nghị với các bệnh nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào phân loại bệnh tật quốc tế phải được bảo hiểm y tế thanh toán thuốc.

Ông nói thêm dịp sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp tới nên lưu ý danh mục thuốc được bảo hiểm y tế bởi điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do căn cứ tình trạng bệnh tật, mức độ bệnh, kinh nghiệm, tiến bộ y tế học thế giới… nhằm đạt kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

“Danh mục thuốc, phác đồ nên để cho ngành y cùng cơ sở y tế, Bộ Y tế quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc, phác đồ nào, nếu đúng, hiệu quả… thì bảo hiểm y tế thanh toán đúng như vậy. Xin đừng có cái danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán nữa”, ông Trí đề nghị thêm.

Chủ nợ và con nợ mòn mỏi chờ hướng dẫn

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu cũng có thực trạng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ca mắc liên tục, việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.

Vì vậy các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.

Do đó, cử tri ngành y tế kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn việc thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc mua, mượn nợ trang thiết bị y tế, hóa chất sát khuẩn phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với riêng tỉnh Bình Thuận, ông Thông nói số nợ này là trên 91 tỉ đồng.

Ông nói thêm Quốc hội đã ban hành nghị quyết 99 về giám sát đã giao cho Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, theo báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ bất cập này.

“Có thể nói cơ sở y tế các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong trả nợ. Chủ nợ mòn mỏi chờ, con nợ mòn mỏi chờ hướng dẫn. Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn”, ông Thông đề nghị.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn: tuoitre.vn