Ham lãi cao không bán sớm, chủ đất ngộp thở trong đống nợ

Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài nhiều tháng qua, khiến không ít nhà đầu tư không bán được đất, rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên" do áp lực từ các khoản vay mượn.

Liên tục hạ giá bán nhưng vẫn ế

Thực tế, từ khoảng đầu quý II/2022, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng trầm lắng, ít thanh khoản, đặc biệt như ở nhiều phân khúc đất nền. Không ít phân khúc bất động sản đã xuất hiện tình trạng giảm giá, cá biệt có không ít nhà đầu tư phải rao bán giá cắt lỗ, giảm sâu.

Anh Nguyễn Văn Huy (đang sống ở Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2021, anh cùng nhóm bạn tham gia đầu tư đất nền ở một số tỉnh phía Bắc. Đến đầu năm 2022, các lô đất nền đã mua được trả giá cao tới 20-30%, cá biệt có lô tới 50% do có vị trí đẹp.

“Thời điểm đó, thị trường rất “nóng”, cả nhóm tính chưa bán vội mà chờ giá tăng thêm. Tuy nhiên, chỉ đến khoảng tháng 4/2022, thị trường đột ngột trầm lắng do các chính sách kiểm soát tín dụng. Số nhà đầu tư, môi giới quan tâm tới các lô đất của chúng tôi cũng ít dần”, anh Huy kể.

Ham lãi cao không bán sớm, chủ đất ngộp thở trong đống nợ - 1
Chủ đất cắm biển rao bán nhiều tháng, nhưng vẫn không bán được (Ảnh: Hà Phong).

Cũng theo anh Huy, do chưa có kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, cả nhóm chỉ tìm cách giữ được các lô đất với hi vọng thị trường sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, sau khi cầm cự nhiều tháng, thấy giá đất nền ở khắp nơi giảm mạnh, các thành viên trong nhóm đều cảm thấy lo lắng.

“Chúng tôi khảo sát và nhận thấy, những lô đất xung quanh có đặc điểm tương đối giống của mình đã rao bán giảm giá sâu, thấp hơn giá chúng tôi mua vào. Thêm nữa, các khoản lãi tiền vay hàng tháng đều tạo ra áp lực cho các thành viên của nhóm”, anh Huy chia sẻ.

Kể về hành trình bán đất chưa có hồi kết của mình, anh Huy chia sẻ, anh và các thành viên nhóm đã tìm đủ mọi cách, qua nhiều kênh rao bán để cố gắng bán được sớm nhất, nhưng tới nay đã qua nhiều tháng, vẫn chưa thể bán. Đáng chú ý, giá các lô đất được rao bán thấp hơn và thực sự cắt lỗ tới 20-40% so với giá mua vào.

“Có 2 lô đất nền ở Nam Định, diện tích khoảng 1.000m2/lô. Giá lúc đầu chúng tôi mua vào là khoảng 3,5 triệu đồng/m2, với mục đích tách thửa để bán. Đến giờ, mỗi lô đất trên đều được rao bán giảm tới mức 2-2,5 triệu đồng/m2, nhưng không có người hỏi mua”, anh Huy kể và cho biết, cả nhóm đang cố gắng gồng gánh trả lãi vay và khoản nợ đầu tư này, trong khi đó, việc bán các lô đất càng lúc càng khó.

Cùng chung cảnh ngộ như nhóm đầu tư của anh Huy, anh Vũ Đăng Linh ở Nam Định cho biết, khi thị trường bất động sản sôi động vào đầu năm 2022, anh cũng dồn hết số tiền tích cóp và vay mượn thêm người thân để đầu tư một lô đất nông nghiệp tại huyện Giao Thủy (Nam Định) với kỳ vọng sẽ chuyển đổi sang đất ở để bán.

Ham lãi cao không bán sớm, chủ đất ngộp thở trong đống nợ - 2
Nhà đầu tư đau đầu tìm cách giảm giá, cắt lỗ lô đất sở hữu để thu hồi vốn trả nợ (Ảnh minh họa: Hà Phong).

“Khi được môi giới tư vấn và tìm hiểu qua nhiều kênh, tôi quyết định mua lô đất nông nghiệp rộng hơn 700m2, có vị trí tiếp giáp với mặt đường lớn của xã, với giá 1,5 tỷ đồng. Lúc đó, tôi dự kiến sẽ chuyển đổi một phần diện tích sang đất thổ cư để tách thành 3 lô. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện thì thị trường chững lại, việc tách thửa cũng không còn đơn giản và phải xếp hồ sơ chờ”, anh Linh chia sẻ.

Hiện tại, theo anh Linh, việc mua bán đất thổ cư ở địa phương vẫn có, nhưng số lượng rất ít. Bên cạnh đó, giá đất thổ cư giảm mạnh, còn đất nông nghiệp thì không có người mua.

“Tiền của tôi bị giữ trong đất, trong khi số nợ vẫn treo trên đầu. Tháng 4 này là tới thời hạn nhiều khoản vay phải trả, tôi chưa biết làm cách nào”, anh Linh buồn bã nói.

Mọi giao dịch bị trì hoãn

Theo báo cáo thị trường bất động sản 2022 mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.

Ông Hà cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự.

Ngoài ra, theo ông Hà, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.

Tuy nhiên, thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn.

“Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải “giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu” nên rất dễ bị rơi vào tình trạng “đột quỵ”. Thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thị trường sẽ dần ấm lên và hoạt động ổn định”, ông Hà đánh giá.

Theo Hà Phong

LInk gốc: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/ham-lai-cao-khong-ban-som-chu-dat-ngop-tho-trong-dong-no-20230130101032895.htm