Hãi hùng video cho trẻ ăn thằn lằn trị hen suyễn

Trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh người phụ nữ cho trẻ ăn thằn lằn đã qua chế biến để chữa bệnh hen suyễn. Theo chuyên gia, đây là “bài thuốc” phản khoa học, thậm chí có thể gây ngộ độc.

0
Các video chia sẻ cách chế biến thằn lằn và khuyến cáo trị hen suyễn bằng cách này – Ảnh chụp màn hình

Trong clip dài 1 phút, người phụ nữ quay lại cảnh chế biến thằn lằn, cho vào dầu chiên. Vừa thực hiện các thao tác, người phụ nữ này vừa hướng dẫn cách chế biến ngon.

Một clip khác quay cảnh bé trai ăn thằn lằn đã qua chế biến, có nội dung “cho bé ăn trị bệnh suyễn nha mọi người”, với hướng dẫn cho trẻ ăn thằn lằn để điều trị bệnh hen suyễn.

Sau khi đăng tải một thời gian ngắn, clip đã thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận. Không ít người rùng mình với “bài thuốc” mà người phụ nữ này chia sẻ. Tuy nhiên, cũng nhiều người tin rằng việc cho trẻ ăn thằn lằn có thể điều trị bệnh hen suyễn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng không khỏi bất ngờ bởi có người phụ nữ vô tư đưa con trở thành “vật thí nghiệm” cho bài thuốc chưa được kiểm chứng.

Bác sĩ Thiệu khẳng định đến nay chưa có nghiên cứu khoa học hay bài thuốc dân gian nào khuyến cáo ăn thằn lằn có thể chữa được bệnh hen suyễn.

Bác sĩ Thiệu nêu rõ trong dược điển, tắc kè được sử dụng làm vị thuốc điều trị hen suyễn, bổ thận dương. Tuy nhiên, tắc kè và thằn lằn là hai con vật khác nhau.

“Có thể vì tắc kè có phần giống với thằn lằn nên nhiều người tự nghĩ ra “bài thuốc” không có cơ sở khoa học này. Bên cạnh đó, kể cả khi nó là một bài thuốc dân gian thì khi sử dụng là vị thuốc phải có hàm lượng, thời gian sử dụng rõ ràng”, bác sĩ Thiệu cho hay.

Bác sĩ Thiệu cho biết thêm bản chất trong các loài thằn lằn còn chứa độc tố. Tác dụng để chữa bệnh thì chưa rõ ràng, thế nhưng độc tố là cái đã được xác định. Trường hợp dùng với liều lượng thấp có thể chưa gây ngộ độc.

Tuy nhiên, đối với người chức năng gan, thận kém có thể gây ngộ độc, suy gan, suy thận. Vì vậy người bệnh tuyệt đối không nên thử làm theo, không lấy sức khỏe của bản thân và người thân ra làm “thí nghiệm”.

Theo bác sĩ Lê Quỳnh Chi – khoa miễn dịch – dị ứng – khớp, Bệnh viện Nhi trung ương, hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) ở trẻ em là bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt phế quản, phù nề và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở.

Bệnh hen nếu không được quản lý có thể gây nên các cơn hen cấp nguy hiểm.

Hen ở trẻ em chủ yếu thuộc tuýp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (ICS-LABA).

“Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen. Đồng thời, nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên thường gặp gây cơn hen cấp.

Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng”, bác sĩ Chi khuyến cáo.

Tác giả: Dương Liễu

Nguồn: tuoitre.vn