Hà Tĩnh: Xử lý xe quá khổ, quá tải vì sao khó triệt để?

Các lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung xử lý phương tiện vận tải cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải trọng. Tuy nhiên, tình trạng xe vi phạm vẫn diễn ra, gây bức xúc trong dư luận.

0
Xe chỡ gỗ keo cồng kềnh trên tuyến Tỉnh lộ 552 đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ

Ứng phó, lách luật

Trước đây, các phương tiện vận tải cơi nơi thành thùng, chở quá khổ, quá tải trọng diễn ra ngang nhiên ở hầu khắp các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Còn thời điểm hiện tại, tình trạng xe vi phạm đã tạm thời lắng xuống, nhưng không có nghĩa là không  diễn ra.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào buổi trưa hoặc đêm tối tại Quốc lộ 281 (huyện Vũ Quang), Tỉnh lộ 552 (huyện Đức Thọ), Quốc lộ 12C (thị xã Kỳ Anh), đường mòn Hồ Chí Minh và nhiều tuyến giao thông huyết mạch, phương tiện vận tải cơi nới thành thùng (chủ yếu chở gỗ keo tràm) vẫn diễn ra phổ biến.

Xe chở gỗ keo chủ yếu hoạt động vào đêm tối để né tránh các lực lượng chức năng

“Tất cả xe chở gỗ keo đều lắp đặt thêm khung, tăng khối lượng chở gỗ lên gấp nhiều lần so với thành thùng cho phép. Không chỉ chở quá khổ và có dấu hiệu quá tải trọng, các phương tiện chở gỗ keo cồng kềnh thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”. Chị Nguyễn Thị T ở xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ bức xúc phản ánh.

Một chủ phương tiện, xin được phép giấu tên cho biết, hiện nay, anh có 6 xe ô tô tải dùng để chở gỗ keo và vật liệu xây dựng. Trong đó có 2 xe đã cắt bỏ phần thành thùng cơi nới để chạy vào ban ngày, số xe còn lại chủ yếu chở gỗ keo vào đêm tối, tránh sự kiểm soát, xử lý của các lực lượng chức năng.

“Xe chở gỗ keo hầu hết đều quá khổ, do vậy dù là buổi trưa hay đêm tối đều phải bố trí người đi xe máy tiền trạm, nếu phát hiện có lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông đang làm nhiệm vụ thì dừng lại, hoặc đi theo đường khác. Mỗi huyện chỉ cần bố trí từ 1 đến 2 người tiền trạm, sau đó, nhắn lên nhóm Zalo là các phương tiện chở gỗ keo quá khổ có thể di chuyển an toàn”, chủ phương tiện này bộc bạch.

Các tài xế thường lập nhóm Zalo thông báo, lựa chọn thời gian, tuyến đường phù hợp khi chở gỗ keo về nơi tập kết

Câu chuyện xe chở quá khổ, quá tải trọng sử dụng những “chiêu trò” ứng phó, lách luật trước các cơ quan chức năng không còn mới lạ. Tuy nhiên, trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là xe quá khổ, quá tải, xe cơi nới, cải tạo kích thước thành thùng việc ứng phó được thể hiện rõ hơn.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, nhiều chủ phương tiện vận tải vẫn chưa chấp hành cắt bỏ, tháo dỡ thành thùng cơi nới hoặc nếu cắt bỏ cũng chỉ mang tính đối phó trên một vài phương tiện để được phép lưu hành. Các phương tiện còn lại tạm dừng không vận hành, nếu sau này các lực lượng chức năng “làm căng” thì sẽ tiến hành cắt bỏ thành thùng cơi nới vẫn chưa muộn.

Không bao biện cho hành vi sai phạm, nhưng một số tài xế vẫn lý giải rằng, lâu nay việc xử lý xe quá khổ, quá tải trọng, xe cơi nới kích thước thành thùng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Thời điểm hiện tại giá xăng dầu đang ở mức cao, phương tiện vận tải hoạt động cầm chừng, việc cắt bỏ, tháo dỡ thành thùng xe cơi nới rất khó triệt để.

Tránh tình trạng “giơ cao, đánh khẽ” 

Xe chở quá khổ, quá tải trọng nói chung, xe chở gỗ keo cồng kềnh nói riêng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Mặc dù tình trạng vi phạm thường xuyên diễn ra vào buổi trưa, hoặc đêm tối, nhưng ở một số địa phương chính quyền các cấp và lực lượng chức năng vẫn chưa có động thái tích cực trong việc tuyên truyền, nhắc nhở, phối hợp xử lý vi phạm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tiến Chương- Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ, huyên Hương Khê cho rằng: Xe chở gỗ keo quá khổ hoặc quá tải trọng diễn ra trên địa bàn, tôi chưa nắm được cụ thể. Nếu dư luận phản ánh, tôi sẽ cho lực lượng công an kiểm tra, rà soát lại để có phương án phối hợp xử lý. Đặc thù địa bàn rộng, nhiều đồi núi, khe suối nên việc nắm bắt, xử lý vi phạm cũng không dễ dàng.

Xe chở gỗ keo dừng đỗ bên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê

Đợt ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là xử lý xe chở hàng quá khổ, quá tải; xe cơi nới, cải tạo kích thước thành thùng ở tỉnh Hà Tĩnh nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn thể Nhân dân. Mọi người đều cho rằng nếu không xử lý nghiêm túc, triệt để các hành vi vi phạm thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn rình rập trên các tuyến đường.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, cân tải trọng các phương tiện vận tải trên tuyến Quốc lộ 12C

Tại buổi làm việc với phóng viên, Thượng tá Phan Hồng Thái- Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an Hà Tĩnh cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, sau hơn 1 tháng triển khai cao điểm, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã tuyên truyền, ký cam kết đối với 3.312 doanh nghiệp, chủ phương tiện, tài xế; vận động tháo dỡ cơi nới thành thùng đối với 677 phương tiện vận tải.

“Hiện nay, đang xẩy ra tình trạng một số tài xế chở gỗ keo thành lập nhóm Zalo để thông báo cho nhau trốn tránh lực lượng chức năng khi giao ca, nghỉ ăn cơm trưa, cơm tối, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Với các chủ phương tiện chưa chấp hành cắt bỏ, tháo dỡ thành thùng, hoặc đã được tuyên truyền, ký cam kết nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Phan Hồng Thái cho biết thêm.

Xe cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải trọng gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác. Dư luận hy vọng rằng, đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là xử lý xe quá khổ, quá tải trọng, xe cơi nới thành thùng ở tỉnh Hà Tĩnh sẽ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng “giơ cao, đánh khẽ” để rồi nhờn luật.

Theo Văn Chương

Link gốc: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-xu-ly-xe-qua-kho-qua-tai-vi-sao-kho-triet-de.html