Hà Tĩnh: Gói thầu áp dụng cơ chế ‘thưởng hợp đồng xây lắp’ về tay ai?

Trong liên danh nhà thầu duy nhất dự và trúng gói thầu hơn 512 tỷ đồng, có 3 doanh nghiệp mạnh ngành xây dựng ở Hà Tĩnh là Công nghiệp - Hoàng Ngọc và Phú Tài Miền Trung.

0

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12.XL Thi công nền, mặt đường và công trình trên tuyến thuộc Dự án Đường từ Quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa (tỉnh Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 668,826 tỷ đồng.

Đây là 1 trong số 15 dự án được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định 15/2023/NĐ-CP về việc “quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”.

Quyết định LCNT do ông Nguyễn Hữu Khiếu – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành

Theo tài liệu của PV, khoảng 01h35 ngày 22/04/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đăng tải mời thầu Gói thầu số 12.XL: Thi công nền, mặt đường và công trình trên tuyến (thuộc Dự án Đường từ Quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa). Giá gói thầu là 516.882.983.000 đồng, thời gian nhận hồ sơ dự thầu từ thời điểm đăng tải đến 10h00 ngày 12/05/2023.

Sau thời gian tổ chức mời thầu rộng rãi qua mạng trong nước, nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu là Liên danh Công ty CP Phát triển công nghiệp – xây lắp và thương mại Hà Tĩnh – Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngọc – Công ty CP Sản xuất công nghiệp xây lắp 3 – Công ty TNHH Đại Hiệp – Công ty CP Đầu tư và Xây dựng nền móng Phú Sỹ – Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung (gọi tắt là liên danh Công nghiệp – Hoàng Ngọc – Xây lắp 3 – Đại Hiệp – Phú Sỹ – Phú Tài Miền Trung).

Theo Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính, liên danh nhà thầu Công nghiệp – Hoàng Ngọc – Xây lắp 3 – Đại Hiệp – Phú Sỹ – Phú Tài Miền Trung dự thầu với giá 513.314.190.407,7 đồng (hơn 513,3 tỷ đồng – giá ghi trong đơn dự thầu không tính giá trị giảm giá); giá trị giảm giá (0,1%) tương đương 513.314.190,4077 đồng; giá dự thầu sau khi trừ giá trị giảm giá (lấy tròn số) là 512.800.876.000 đồng.

Đến ngày 22/5/2023, ông Nguyễn Hữu Khiếu – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định số 76/QĐ-BQLDAKV phê duyệt chọn liên danh nhà thầu Công nghiệp – Hoàng Ngọc – Xây lắp 3 – Đại Hiệp – Phú Sỹ – Phú Tài Miền Trung trúng gói thầu nêu trên với giá 512.800.876.000 đồng, giảm 4.082.122.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (vốn đã được bố trí hơn 500 tỷ đồng…).

Được biết, trong quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng nêu rõ: mục tiêu triển khai dự án nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là các hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính kết nối, chia sẻ giao thông; đảm bảo nhu cầu giao thông, vận tải trên địa bàn; thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng.

Cụ thể, Dự án có tổng mức đầu tư 668.826.000.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 524 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 1,559 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 6,549 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 19,440 tỷ đồng; chi phí khác hơn 8,5 tỷ đồng; chi phí GPMB, tái định cư (tạm tính) hơn 54,722 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 53,940 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn từ năm 2022 – 2024. Dự án này sử dụng nguồn vốn Ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội và 168,826 tỷ đồng từ Ngân sách tỉnh Hà Tĩnh (bao gồm: nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, và các nguồn vốn khác).

Phụ lục khái toán kinh phí đầu tư dự án…

Trước đó, để có nguồn vốn đầu tư triển khai dự án này, ngày 18/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký Văn bản số 7758/UBND-GT1 gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 để phát triển hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng (KKT).

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, KKT Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung đầu tư phát triển với thế mạnh về công nghiệp thép và cơ khí, năng lượng, cảng biển nước sâu và dịch vụ logistics. Với lợi thế nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế, trục hành lang kinh tế Đông – Tây trong tiểu vùng sông Mekong (GMS), với hạt nhân là Khu liên hiệp gang thép và cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương… Tuy vậy, KKT Vũng Áng còn thiếu các hạ tầng lớn, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ các dự án trọng điểm. Do đó, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong điều kiện nguồn cân đối ngân sách địa phương còn khó khăn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện đầu tư xây dựng dự án Đường từ quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 668,826 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng. Khoảng 168 tỷ đồng còn lại sẽ do tỉnh Hà Tĩnh dùng ngân sách địa phương huy động để hoàn thành dự án. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cam kết sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định và giải ngân hết nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và phát huy hiệu quả đầu tư.

Đường từ Quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa xuống cấp (Ảnh: H.V)

Được biết, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đăng tải mời thầu vào ngày 22/4/2023, Dự án đường từ quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa (tỉnh Hà Tĩnh) đã được áp dụng cơ chế “thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” theo Nghị định 15/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023.

Theo chương II Nghị định 15/2023/NĐ-CP về quy định thưởng hợp đồng, nguyên tắc như sau: Công trình, hạng mục công trình phải được thực hiện theo đúng hợp đồng (về số lượng, khối lượng, chất lượng), đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và phải được nghiệm thu, bàn giao theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Việc thưởng hợp đồng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; phải được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thể hiện trong hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu; Việc thưởng hợp đồng được áp dụng cho từng gói thầu cụ thể. Số tiền thưởng không vượt nguồn tiền thưởng quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Việc thưởng hợp đồng chỉ áp dụng đối với nhà thầu tuân thủ pháp luật trong thực hiện gói thầu và có nguồn tiền thưởng thực tế; Không áp dụng thưởng đối với các trường hợp xác định giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và ký kết hợp đồng không theo quy định pháp luật về xây dựng nhằm trục lợi tiền thưởng.

Được biết, nguồn tiền thưởng hợp đồng được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu); Việc thanh toán tiền thưởng thuộc Thẩm quyền của “Người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng quy định về thưởng hợp đồng khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu”; Chủ đầu tư quyết định cụ thể về việc thưởng hợp đồng, thực hiện việc thanh toán tiền thưởng hợp đồng, điều chỉnh hoặc thu hồi tiền thưởng”.

Theo Lam Lam

Link gốc: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ha-tinh-goi-thau-ap-dung-co-che-thuong-hop-dong-xay-lap-ve-tay-ai-a389306.html