Giảm thuế VAT 2% – Chính sách “sưởi ấm” nền kinh tế

Không chỉ kích cầu tiêu dùng, việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 được cho sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động…

Tại phiên họp mới đây, Quốc hội đã nhất trí thông qua việc giảm thuế VAT 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Giảm thuế VAT được cho sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mặc dù còn đó những lo ngại về việc giảm thu ngân sách, bởi theo tính toán dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng… tuy nhiên, đổi lại việc giảm thuế VAT được cho sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi không chỉ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Trong đó, đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân. Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia, đây là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu, “sưởi ấm” nền kinh tế – Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, thống kê trước đó cho thấy ước tính chỉ sau 3 tháng thực hiện (từ 7/2023- 9/2023), chính sách giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Xoay quanh việc giảm thuế VAT 2%, nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhìn trước mắt, câu chuyện thuế giảm kéo đến giảm thu ngân sách là hiện hữu, tuy nhiên, về lâu dài, đây lại là giải pháp căn cơ mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Văn Hiến – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, việc gia hạn giảm thuế VAT 2% đến hết tháng 6/2024 không chỉ tác động lớn đối với nền kinh tế, mà còn là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu, “sưởi ấm” nền kinh tế.

Cũng theo TS Hiến, quan sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Nếu Nhà nước không tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thì việc duy trì đà tăng trưởng như các tháng cuối năm 2023 sẽ có nguy cơ khó tiếp tục thực hiện được, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đặt ra trong năm 2024 là phải đạt từ 6,0-6,5%.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết tháng 6/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm kích thích tiêu dùng, một trong ba trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

“Trên khía cạnh thu ngân sách nhà nước, về nguyên lý, khi giảm thuế VAT sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách, nhưng thực tế năm 2022 và năm 2023 cho thấy, mặc dù đã áp dụng giảm 2% thuế VAT, nhưng tổng mức thu thuế VAT của cả nền kinh tế không những không giảm mà còn tăng, vì thực chất giảm thuế chính là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp học viện Tài chính, việc giảm thuế VAT rất có lợi cho nền kinh tế và hưởng lợi trực tiếp là người tiêu dùng, giúp họ giảm bớt gánh nặng và được mua hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn. Doanh nghiệp được hưởng lợi cả đầu ra lẫn đầu vào, nguyên vật liệu, phụ kiện giảm đi, chi phí vốn cũng giảm, quá trình cải cách kinh doanh được đẩy lên; hàng hóa được đẩy nhanh ra thị trường. Còn về phía Chính phủ, khi hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy lên, đời sống người dân cải thiện, doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu ngân sách sẽ ổn định và có thể gia tăng ngân sách từ việc thu thuế.

Tác giả: Gia Nguyễn

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn