Nghệ An xử lý 488 trường hợp vi phạm hành lang ATGT trong 2 năm

Lực lượng Thanh tra giao thông đã thực hiện kiểm tra, xử lý 488 trường hợp; trong đó lập biên bản xử lý vi phạm 19 trường hợp với số tiền hơn 138 triệu đồng.

Tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT

Chiều 2/2, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến đến các huyện, thành phố, thị xã sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/1/2022 của UBND tỉnh quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Cơ quan chức năng huyện Nghi Lộc ra quân triển khai giải toả hành lang an toàn giao thông.

Ông Vương Đình Nhuận, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, qua 2 năm, tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, vỉa hè đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

21/21 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công cụ thể và gắn trách nhiệm cho từng phòng, ban, đơn vị, cá nhân trực thuộc đối với từng tuyến đường hoặc địa bàn được giao quản lý.

Đồng thời, ban hành kế hoạch và tổ chức ra quân giải tỏa; các bước triển khai thực hiện giải tỏa vi phạm hành lang ATGT; các phòng, ban, đơn vị đã có ý thức nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; ý thức của người dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã được cải thiện, chuyển biến tốt hơn. Trong quá trình giải tỏa vi phạm hành lang ATGT không có tình trạng tụ tập đông người, gây rối; ít phát sinh “điểm nóng” trong công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT.

Công tác tuyên truyền giải tỏa vi phạm hành lang ATGT được triển khai tới cán bộ, các tầng lớp nhân dân, đảm bảo duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới.

Bên cạnh đó, các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện việc trích đo, trích lục bản đồ địa chính các thửa đất tiếp giáp với đường bộ, đường sắt đi qua khu dân cư để xác định ranh giới giữa đất được giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng với đất của đường bộ, đường sắt và hành lang ATGT; đánh dấu bằng các mốc giới để xác định phạm vi giải tỏa vi phạm.

Thực hiện việc rà soát, thống kê các công trình xây dựng, vật kiến trúc, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị,… tồn tại trên hành lang ATGT để xác định vi phạm; gửi thông báo giải tỏa vi phạm đến các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang ATGT.

Lực lượng công an lập chốt kiểm tra phía trước Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An.

Lực lượng Thanh tra giao thông đã thực hiện kiểm tra, xử lý 488 trường hợp (lập biên bản 19 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền 138,75 triệu đồng), chuyển và đề nghị UBND cấp huyện xử lý 345 trường hợp theo thẩm quyền.

Lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 4.689 ca tuần tra kiểm soát, huy động 33.589 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành lang ATGT; đã vận động tự giác tháo dỡ và giải tỏa được 7.087 m² mái che; 15.480 m² bờ tường; 12.762 biển quảng cáo; 1.803 m² công trình; 3.907 m³ bê tông; 9.268 m² ki ốt; 102 lều quán… Phát hiện lập biên bản 11.461 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 6 tỷ đồng.

Các địa phương tổ chức giải tỏa các trường hợp vi phạm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, một số địa phương ra quân thực hiện quyết liệt, tạo dư luận tốt, sự đồng thuận của nhân dân như: Nam Đàn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Đô Lương, Quế Phong, Quỳnh Lưu, Tx. Cửa Lò, Tx. Thái Hòa, Tx. Hoàng Mai.

Mặc dù vậy, các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện ra quân giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, tuy nhiên qua kiểm tra trên các tuyến đường bộ, đường sắt, việc tổ chức giải tỏa vi phạm của các địa phương có dấu hiệu “chùng” xuống, thậm chí không hoạt động.

Đặc biệt là các vi phạm về lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo, chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán,… Công tác chống tái lấn chiếm hành lang ATGT chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc tái lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn thành phố Vinh và các thị trấn, thị tứ, khu đông dân cư.

Xử lý người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý

Bên cạnh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng, các địa phương, ông Lê Hồng Vinh Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn nêu lên một số hạn chế, tồn tại trong công tác giải toả vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An phân tích rõ nhiều nguyên nhân và đặt ra yêu cầu đối với các lực lượng chức năng, các địa phương tiếp tục trăn trở để tìm giải pháp mang tính bền vững hơn trong công tác này, nhất là chú ý mục tiêu, vừa đảm bảo mưu sinh cho người dân, vừa đảm bảo an toàn giao thông.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh NA.

Để tăng cường công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024 với chủ đề: “Tập trung chống tái lấn chiếm, tăng cường quản lý HLATGT” theo Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 36 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại các nội dung để tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở GTVT tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cấp huyện, đơn vị quản lý đường bộ tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT; ưu tiên giải toả, xử lý các vị trí vi phạm đất của đường bộ để bảo vệ các công trình thoát nước nền, mặt đường, đảm bảo hoạt động bảo trì, vệ sinh môi trường cho các công trình đường bộ; đặc biệt, các vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông trên các tuyến đường trục chính, quốc lộ, đường tỉnh;

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trực tiếp cùng với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý tổ chức giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT;

Công an tỉnh đôn đốc, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã, các phòng nghiệp vụ liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư số 39/2011/TT-BCA ngày 21/6/2011 của Bộ Công an quy định lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm hàng lang ATGT, hè phố trên địa bàn quản lý.

Công an huyện Tân Kỳ xử lý đối với những trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT.

Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT; bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát trật tự phối hợp với Thanh tra GTVT, Quản lý trật tự đô thị tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị như dừng, đỗ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè trái quy định; chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi giữ xe; sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ; rửa xe, xả nước thải xây dựng từ các công trình ra đường phố; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo không đúng quy định…

Xử lý nghiêm theo quy định trách nhiệm người đứng đầu Công an các huyện, thành phố, thị xã, phường, xã, thị trấn thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để tình trạng vi phạm và tái lấn chiếm hành lang ATGT diễn ra phổ biến trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn: nguoiduatin.vn