Công an phường có được xử phạt vi phạm giao thông?
Nhiều người thắc mắc, theo quy định, công an phường có được quyền xử lý người vi phạm giao thông hay không? Nếu được thì xử phạt những lỗi gì?
Căn cứ điều 11 thông tư số 12/2010, công an xã, phường có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, công an xã, phường tham gia phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn xã, phường.
Việc tham gia phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của công an cấp trên.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9, công an phường, xã, thị trấn (gọi chung là công an xã) được thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và xử lý một số lỗi vi phạm giao thông. Công an cấp xã sẽ phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho CSGT.
Đây là điểm mới so với Thông tư 65/2020 của Bộ Công an trước đây. Quy định trước đây chỉ cho phép công an xã “phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm” cùng CSGT khi cần thiết.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BCA, công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý.
Công an phường, xã được dừng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ để xử lý các lỗi sau:
-Không đội mũ bảo hiểm
-Chở quá số người quy định
-Chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn
-Dừng, đỗ xe không đúng quy định
-Phóng nhanh, lạng lách, đánh võng
-Không có gương chiếu hậu ở bên trái.
-Sử dụng ô (dù)
-Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định
– Phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì công an phường, xã được xử lý theo thẩm quyền. Nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Không bắt buộc CSGT phải nói lời chào, cảm ơn tài xế
Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2023 thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA.
Theo Thông tư 32/2023, sau khi đề nghị người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện, CSGT chào theo điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc, CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.
Trong khi đó, Thông tư 65/2020 yêu cầu CSGT chào theo điều lệnh ngành hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…”. Sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị… cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”. Kiểm soát xong, CSGT nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị… đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Như vậy, Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 15/9 không yêu cầu CSGT khi dừng kiểm soát phương tiện phải chào bằng lời nói và cảm ơn tài xế phương tiện.
Bên cạnh đó, theo Điều 12 của Thông tư 32/2023, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử (VNeID) có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.
Điều 18 của Thông tư mới nêu rõ, khi tiến hành kiểm soát, cán bộ CSGT đề nghị người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong VNeID để kiểm soát.
Trường hợp người lái xe trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó. Còn người điều khiển mà cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản VNeID thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.
Tác giả: Minh Hoa
Nguồn: nguoiduatin.vn