Cơ quan quản lý cần xem xét, điều chỉnh trước vấn nạn mua bán trứng người
Theo đại biểu quốc hội Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Nhà nước đã quy định rất rõ ràng, rành mạch về việc cấm buôn nội tạng người. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội đã phát sinh ra hiện tượng mua bán trứng, mang thai hộ. Cơ quan nhà nước cần xem xét một cách kỹ lưỡng và có điều chỉnh cụ thể với hiện tượng này.
Như đã thông tin trong loạt bài về “Thị trường ngầm mang thai hộ, mua bán trứng người của ngành dịch vụ đẻ thuê” được Báo Lao Động đăng tải trong thời gian qua, lợi dụng những quy định về mang thai hộ nhân đạo (Luật hôn nhân gia đình, năm 2014), nhiều đối tượng môi giới đã lập các hội nhóm dưới danh nghĩa là hiến trứng, mang thai hộ để thương mại hoá các hoạt động này.
Ngày 1.6, trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – nhận định: cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiên cứu rõ ràng về trường hợp này.
Theo ông Hòa, nhu cầu muốn có con của các gia đình hiếm muộn là có, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chỉ cho phép mang thai theo hình thức nhân đạo với các quy định ràng buộc. Điều này gây khó khăn cho các gia đình hiếm muộn, mong mỏi có con bởi việc mang thai hộ theo hình thức này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện.
Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội, điều này đã phát sinh ra những hiện tượng như mua bán lén lút, câu móc với các cơ quan y tế. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét vấn đề này thật kỹ lưỡng và khách quan.
“Nếu tạo điều kiện cho hoạt động này thì không có quy định pháp lý nào cho phép. Còn không cho thì không có văn bản pháp lý nào quy định về việc mua bán trứng. Chỉ có mua bán tạng là không được, nên đây là vấn đề phát sinh thực tiễn mà Nhà nước cần nghiên cứu để hợp thức hoá một cách hợp lý vấn đề này. Qua đó có thể giải quyết một cách nhân văn trước nỗi mong mỏi có con của các gia đình hiếm muộn”, ông Hòa nói.
Vị Đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, ai cũng có quyền mang thai hộ nhưng cái quan trọng là khâu trung gian, đầu nậu môi giới để trục lợi bất chính.
Đề cập đến vấn đề những cô gái trẻ mang thai hộ là điều đạo đức không cho phép, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý. Tuy nhiên, việc dẫn đến hành động này từ những phụ nữ chấp nhận mang thai hộ, bán trứng cũng có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Hoặc là hoàn cảnh gia đình, do những khó khăn từ cuộc sống…
“Vì vậy, mang thai hộ thương mại và bán trứng người là hành vi cần xã hội lên án, nhưng cũng cần xem xét một cách khách quan. Bởi trong những trường hợp đặc biệt, nên chăng có thể vị tha cho những người phụ nữ đó”, vị Đại biểu Quốc hội nhìn nhận.
Theo PV/Báo lao động
Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/co-quan-quan-ly-can-xem-xet-dieu-chinh-truoc-van-nan-mua-ban-trung-nguoi-1051646.ldo