Chưa có phác đồ điều trị bệnh chết xương hậu COVID

Liên tiếp 11 trường hợp hậu COVID-19 bị chết xương - cốt tủy viêm xương hàm mặt được phát hiện điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. PGS.TS Trần Minh Trường, Phó chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, hiện chưa có phác đồ điều trị bệnh lý nguy hiểm này.

0

11 bệnh nhân đã được phát hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ khi nào, tình trạng chung của người bệnh ra sao?

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên tục tiếp nhận 11 trường hợp có những biểu hiện hoại tử xương bất thường, trong đó có 2 ca đã tử vong. Trước vấn đề trên, bệnh viện đã mời tôi hỗ trợ chuyên môn, tìm nguyên nhân và giải pháp điều trị cho người bệnh.

Thực tế thăm khám, chẩn đoán cho thấy hầu hết người bệnh nhập viện trong tình trạng đã ở mức nặng và rất nặng. Một số bệnh nhân từng được điều trị bằng kháng sinh hoặc phẫu thuật tại các bệnh viện khác nhưng không mang lại kết quả, tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm. Các bệnh nhân không tiền sử của bệnh lý răng hàm mặt hoặc tai mũi họng cho đến khi những cơn đau âm ỉ dần diễn tiến thành đau dữ dội.

PGS.TS Trần Minh Trường

Bệnh lý chết xương hay còn gọi là cốt tủy viêm xương nguy hiểm ra sao, có phổ biến và dễ chẩn đoán hay không?

Cốt tủy viêm xương là bệnh lý hiếm gặp nên việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn và thường nhầm lẫn với những bệnh lý khác như viêm xoang, bệnh lý về mắt hoặc các bệnh lý răng hàm mặt khác.

Đến nay, Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị về bệnh lý này nên ngay cả những trường hợp được chẩn đoán đúng bệnh thì giải pháp nào để xử lý về mặt chuyên môn cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Đây là loạt ca bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn chưa từng có tiền lệ nên việc giải thích bệnh cho bệnh nhân và người nhà gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, tình trạng bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng. Việc điều trị nội khoa sẽ không mang lại kết quả. Bệnh nhân không sớm thì muộn cũng sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa tạng và chắc chắn sẽ tử vong.

Từ thực tế những ca bệnh, ông có thể cho biết những biểu hiện chính của bệnh lý chết xương?

Những dấu hiệu cảnh báo gợi ý của các ca bệnh là tình trạng đau nhiều trong thời gian mắc COVID-19 hoặc sau khi đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân sẽ bị đau ở vùng đầu, mặt, thậm chí triệu chứng đau có thể rất mơ hồ, chỉ khu trú tại vùng trung tâm của đầu. Những cơn đau sau khi khỏi COVID-19 không chấm dứt mà thường âm ỉ, khi đi thăm khám ban đầu, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán là bị viêm xoang.

Các biểu hiện lâm sàng của những trường hợp nặng cho thấy, vùng mắt của bệnh nhân sưng lớn, rạch ra có mủ. Đây là những bệnh nhân bị viêm xương sọ, tình trạng viêm lan rộng và tràn xuống mí mắt. Một số trường hợp bị viêm xương sọ ở vùng trán tạo thành các ổ mủ dưới xương.

Nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm, cấu trúc xương bị phá hủy khiến cả hàm răng lung lay như sắp rụng. Người bệnh đau nhức, dù đã nhổ răng cũng không hết, mất chức năng nhai của hàm răng, hơi thở có mùi hôi. Ba bệnh nhân được phẫu thuật đều ghi nhận tình trạng hoại tử các mô mềm, hoại tử xương ở hốc mũi lan rộng lên nền sọ.

Đây có phải bệnh lý do COVID-19 gây ra hay không, theo ông?

Chúng tôi không dám khẳng định 100% là bệnh lý do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022 trên thế giới đã có khoảng 80 bài báo cáo ghi nhận tình trạng bệnh giống như các bệnh nhân gặp phải tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi nhận thấy, bệnh lý trên có mối liên hệ với dịch COVID-19 trong giai đoạn bùng phát chủng Delta. Còn giai đoạn Omicron hiện nay có liên quan đến bệnh lý trên hay không thì chưa ghi nhận ca bệnh nên chưa thể kết luận.

Vì sao có sự gia tăng của bệnh cốt tủy viêm xương liên quan COVID-19?

Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta có nguy cơ đông máu, tắc mạch trong và sau điều trị. Hiện tượng tăng đông máu sẽ dẫn tới tắc động mạch phổi, động mạch não, ruột, mắt, các chi, trong đó có tắc các mạch máu nuôi xương, đặc biệt là các vùng xương có độ xốp cao như răng, hàm mặt, sàn sọ. Với những bệnh nhân có sử dụng corticoid, đái tháo đường, khi mắc COVID-19, nguy cơ đông máu, tắc mạch có thể ở mức cao hơn.

Bác sĩ nhổ hết răng loại bỏ xương chết cho bệnh nhân

Những bệnh nhân đã được phẫu thuật qua nguy kịch, tiên lượng về nguy cơ tái phát và chất lượng sống ra sao?

Như đã nói, đây là bệnh chưa từng có tiền lệ nên cũng chưa thể đưa ra đánh giá hoặc nhận định nào cụ thể. Các bệnh nhân được phẫu thuật, trước mắt đã chiến thắng tử thần. Việc cắt bỏ những vùng xương hoại tử đã ảnh hưởng lớn đến các chức năng của cơ thể và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lớn bởi việc tạo hình khung xương có thể là giải pháp giúp người bệnh cải thiện thẩm mỹ và nâng cao chất lượng sống.

Ông đưa ra khuyến cáo nào về mặt chuyên môn cho đồng nghiệp và cộng đồng để phát hiện, điều trị sớm cho bệnh nhân bị chết xương?

Hiện nay chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thức nào của Bộ Y tế và phác đồ điều trị về bệnh lý này.

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn từ thực tế xử lý cho những ca bệnh vừa qua, chúng tôi cho rằng, khi phát hiện những trường hợp có các biểu hiện gợi ý, cần chụp CT-Scan để kiểm tra. Việc điều trị cho bệnh nhân bị cốt tủy viêm xương thì giải pháp phẫu thuật lấy hết xương viêm và hoại tử là ưu tiên hàng đầu. Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm là giải pháp quan trọng cần làm để cứu người bệnh.

Với cộng đồng, những trường hợp sau khi mắc COVID-19 trong thời gian từ 6 đến 8 tháng nếu có biểu hiện đau đầu kéo dài tương tự như bệnh lý viêm xoang thì người bệnh nên đi thăm khám, chụp phim CT-Scan sọ não để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Cảm ơn ông!

Theo Vân Sơn

Link gốc: https://tienphong.vn/chua-co-phac-do-dieu-tri-benh-chet-xuong-hau-covid-post1453115.tpo