Cận cảnh ở nhờ, dạy tạm của trường dân tộc nội trú tại Nghệ An
Suốt 10 năm kể từ ngày thành lập, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Con Cuông (Nghệ An) vẫn trong tình cảnh thầy dạy nhờ, trò ở tạm.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông (Nghệ An) được thành lập năm 2013, dành cho những học sinh dân tộc thiểu số nổi trội trên địa bàn huyện. Thời điểm thành lập, do chưa có cơ sở vật chất mới, nên trường mượn cơ sở cũ của Trường THCS Bồng Khê (thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê) do trường này sáp nhập với Trường THCS thị trấn Con Cuông.
Đến tháng 8/2018, trận lũ chồng lũ khiến trường học nằm bên bờ sông Lam ngập nặng buộc phải sơ tán khẩn cấp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên nhà trường, huyện Con Cuông quyết định gấp rút chuyển trường dân tộc nội trú về 2 địa điểm. Theo đó, hoạt động dạy học được mượn tạm của Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghệ An, gồm dãy nhà 2 tầng, gồm 12 phòng học. Còn ký túc xá cho học sinh thì mượn của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Từ đó đến nay, trường vẫn tiếp tục cảnh dạy học nhờ, ở tạm mà vẫn chưa được xây dựng cơ sở vật chất mới.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Quyết định số 1640/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú, Nghệ An đã phát triển từ 1 lên 8 trường dân tộc nội trú. Đến nay, các trường đều có cơ sở vật chất riêng, cơ bản hoàn thiện, đầy đủ ngoại trừ Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Con Cuông.
Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Con Cuông. Dự án gồm các hạng mục, như dãy nhà học, nhà ở nội trú, nhà ăn, nhà thi đấu, nhà hiệu bộ… với tổng mức đầu tư là 45 tỷ đồng. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án huyện Con Cuông thực hiện, với thời gian là 3 năm kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thi công.
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn: giaoducthoidai.vn