Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng
Vấn đề nguồn cung, giá xăng dầu trong nước được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Ngày 16-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn để giải đáp chất vấn về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đề cập đến tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó dự báo, xung đột Nga- Ukraine tác động đến giá xăng dầu, giá mặt hàng này trong nước liên tục tăng, ảnh hưởng lớn sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là vấn đề được ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), ĐB Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) quan tâm, đề nghị làm rõ tình trạng khan hiếm nguồn cung, “găm hàng”, các đại lý treo biển hết hàng ở một số địa phương. Các ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của bộ trong công tác điều hành, cung ứng xăng dầu và các giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết bên cạnh đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng dầu lớn cùng với xung đột giữa Nga – Ukraine, thị trường trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống doanh nghiệp đầu mối tăng lượng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho thị thị trường nội địa. “Nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu”- Bộ trưởng khẳng định.
Về công tác điều hành, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã bám sát các quy định hiện hành, mới nhất là Nghị định 95 của Chính phủ, sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu để kìm đà tăng của mặt hàng xăng dầu.
Người đứng đầu ngành công thương cho hay, biên độ tăng giá xăng dầu của thế giới từ 40-60%, trong khi ở nước ta thấp hơn, ở mức 29-40%. “Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng phi mã, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ xây dựng Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm góp phần giảm hơn nữa giá xăng dầu trong nước”- Bộ trưởng cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng nếu không sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn thì thời gian qua giá xăng dầu trong nước không thể tăng thấp hơn thế giới như vậy được. “Việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quỹ có hạn, hiện còn trên dưới 600 tỉ đồng, những doanh nghiệp lớn đang âm quỹ”- ông Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Trong bối cảnh giá thế giới nếu tiếp tục tăng cao, Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu Chính phủ nghiên cứu giảm các loại thuế phí khác. Khi công cụ thuế phí đã hết, để giảm thiểu sự tác động của giá xăng dầu đến những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tính đến các loại quỹ như an sinh, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng này.
Tham gia chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đặt vấn đề các nhà máy lọc dầu trong nước đóng vai trò như thế nào trong bối cảnh hiện nay để chúng ta chủ động về nguồn cung, bình ổn giá. Ngoài quỹ bình ổn giá, ĐB Bé đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra giải pháp căn cơ hơn, ổn định hơn để quản lý tốt về cung ứng xăng dầu, bình ổn giá.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vấn đề ĐB đặt ra rất đúng, đây cũng là ẩn số trong phương trình để giải bài toán về nguồn cung xăng dầu. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, hoạt động tốt, cung ứng khoảng 30-35% lượng xăng dầu trong nước. Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do liên danh đầu tư, trong đó có PVN, hoạt động đang gặp khó khăn về tài chính.
Theo Bộ trưởng, các cơ quan liên quan đang khẩn trương làm việc với các liên danh để giải quyết các khó khăn. “Chúng tôi đã đề nghị, khi PVN cam kết chắc chắn sản lượng từ Nghi Sơn đủ cung ứng thị trường, thì Bộ Công Thương mới dừng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm”- Bộ trưởng nói; đồng thời cho biết Bộ Công Thương đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến các nhà máy lọc dầu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến việc rà soát để nâng cao hiệu quả của quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó tính toán về quy mô của quỹ, xem xét nguồn tạo quỹ từ ngân sách hay nguồn nào.
Sau một số nội dung về vấn đề xăng dầu được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đăng ký tranh luận và nêu rõ tình trạng các cửa hàng xăng dầu treo biển “hết hàng”. Theo ông Hoà, một số đại lý nhỏ lẻ “không đủ tầm” để găm hàng, mà dư luận nghi vấn là các doanh nghiệp, thương nhân phân phối găm hàng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết qua kiểm tra, kiểm soát trên cả nước, có 211 cửa hàng xăng dầu ngừng bán thời gian qua với nhiều lý do khác nhau, có thể do sửa chữa, gặp vấn đề kỹ thuật, có một số ít cửa hàng “găm hàng” không bán.
Đối với các cửa hàng xăng dầu thông báo hết hàng, cơ quan chức năng làm rõ thì được biết họ nhập hàng từ các đầu mối lấy nguồn từ Nghi Sơn, nên gặp trục trặc trong thời gian ngắn. Bộ Công Thương đã chỉ đạo chia sẻ nguồn cung để giải quyết vấn đề này.
Theo Minh Chiến (NLĐ)
Link gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/bo-truong-nguyen-hong-dien-viec-duy-tri-quy-binh-on-xang-dau-la-vo-cung-quan-trong-20220316082220356.htm