Bia làm từ… nước thải nhà tắm, máy giặt

Nước thải dùng để sản xuất bia Epic OneWater Brew đã trải qua một loạt phương pháp xử lý, bao gồm vi lọc và tia cực tím, nên đảm bảo sạch sẽ, an toàn.

0
Bia làm từ nước thải tái chế – Ảnh: CNN

Bia Epic OneWater Brew lai kiểu bia Kölsch – một loại đồ uống nhẹ của Đức – được làm bằng nước thải tái chế từ tòa nhà chung cư cao cấp 40 tầng ở San Francisco có tên Fifteen Fifty.

Theo Đài CNN, loại bia này đã trải qua một loạt phương pháp xử lý, bao gồm vi lọc và tia cực tím, do đó người uống hoàn toàn yên tâm về độ sạch sẽ, an toàn của nó.

Bia do công ty xử lý nước Epic Cleantec, có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), hợp tác với một nhà máy bia địa phương, sản xuất.

Ông Aaron Tartakovsky, giám đốc điều hành và đồng sáng lập Epic Cleantec, cho biết: “Các tòa nhà trên toàn cầu sử dụng 14% tổng lượng nước uống được. Nhưng hầu như không có tòa nhà nào tái sử dụng nước đó. Đây là điều chúng tôi đang cố gắng thay đổi”.

Nhưng bia này hiện nay không bán, vì các quy định cấm sử dụng nước thải tái chế trong đồ uống thương mại. Và công ty chỉ sản xuất 7.000 lon.

“Đúng hơn, nó dùng để quảng bá và giáo dục về việc tái chế nước”, ông Tartakovsky nói.

Epic Cleantec đã trang bị cho các tòa nhà hệ thống tái chế nước có khả năng tái chế tới 95% nước thải, từ nước thải nhà vệ sinh, bồn rửa đến nước thải máy giặt, bồn tắm…

Đầu tiên, công ty xử lý sinh học để loại bỏ chất hữu cơ, sau đó vi lọc qua màng chỉ dày 0,04 micron (khoảng 0,05% độ dày của tóc người), và cuối cùng là khử trùng bằng tia cực tím và chlor. Hệ thống này cho ra nước an toàn để tái sử dụng trong các hoạt đông như xả bồn cầu và bồn tiểu, tưới tiêu và giặt giũ.

Hệ thống được lắp đặt trong Fifteen Fifty được thiết kế để tái chế 28.390 lít nước/ngày, hoặc lên đến 1,041 triệu lít/năm.

Epic Cleantec cho biết hệ thống này có những lợi ích khác: nhiệt thu hồi từ nước thải có thể được sử dụng để làm nóng nước sinh hoạt, cắt giảm chi phí sưởi ấm; chất hữu cơ trong nước thải có thể dùng để sản xuất các sản phẩm đất tự nhiên, sau đó dùng trong vườn tược hoặc công viên.

Việc lắp đặt hệ thống tái chế này tốn từ vài trăm nghìn USD đến hàng triệu USD, tùy thuộc vào quy mô của tòa nhà. Tuy nhiên ông Tartakovsky nói với vốn đầu tư ban đầu, họ đã giảm được các hóa đơn tiện ích lâu dài.

Tại San Francisco, kể từ năm 2015, tất cả các tòa nhà mới rộng hơn 9.300m² đều phải có hệ thống tái chế nước tại chỗ. Trong số vài chục tòa nhà hiện được đặt hệ thống tái chế, Epic Cleantec chịu trách nhiệm 5 tòa nhà.

Mặc dù hệ thống của Epic Cleantec không nhằm mục đích sản xuất nước uống thương mại, nhưng các quy định hiện cho phép tái sử dụng nước thải có thể uống được ở nhiều bang của Mỹ, như California và Texas.

Nhiều bang khác, bao gồm Arizona, Colorado, Florida, New Mexico và Washington, đang trong quá trình cập nhật các quy định tái sử dụng nước của họ.

Theo Gia Minh

Link gốc: https://tuoitre.vn/bia-lam-tu-nuoc-thai-nha-tam-may-giat-20230801211338384.htm