Bé 3 tuổi bị ong đốt nguy kịch

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi (3 tuổi, trú tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng nguy kịch do ong đốt.

0
Ảnh minh họa.

Theo lời người nhà kể lại, cách vào viện 1 ngày, bệnh nhi bị ong vò vẽ đốt vào vùng đầu, tay, chân khoảng 50 nốt. Sau khi bị ong đốt, bệnh nhi tím tái, khó thở, đã vào Trung tâm Y tế Anh Sơn điều trị 1 ngày nhưng không đỡ.

Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, môi tái, chân tay lạnh, lơ mơ, đái máu, được chẩn đoán ong đốt biến chứng suy đa tạng.

Theo TS.BS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng Khoa Cấp cứu, tai nạn do ong đốt thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng miền núi, trung du. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều.

Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với vài vết đốt như ong vò vẽ, ong bắp cày đất, ong bầu. Nguy hiểm nhất là trẻ có cơ địa dị ứng, có thể quá mẫn với nọc ong gây sốc phản vệ, suy đa tạng. Để tránh hậu quả thương tâm có thể xảy ra khi trẻ bị ong đốt, người lớn cần trang bị kiến thức để có cách xử trí đúng khi bị ong đốt.

Độc tố ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim nhọn (ngòi). Ong dùng nọc độc để tự vệ hoặc tấn công kẻ thù. Sau khi châm vào mô, phần ngòi bị đứt ra và nằm tại chỗ bị châm. Hiếm khi ong chủ động tấn công con người (trừ một số loài ong hung dữ như ong mặt quỷ). Chúng chỉ tấn công khi bị quấy rầy, bị chọc phá tổ hoặc khi con người vô tình chạm phải.

Hình ảnh ong bắp cày, ông bầu, ong vò vẽ. Ảnh: BV.

Khi bị ong đốt, trẻ thường có phản ứng dị ứng với nọc ong đốt như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt. Trường hợp nặng, trẻ cảm thấy mệt nhiều, tay chân lạnh, da nổi ban, nước tiểu đỏ, tiểu ít, khó thở. Độc tính của nọc ong gây độc thần kinh, tiêu cơ vân, hoại tử tế bào, gây các phản ứng viêm và dị ứng mạnh gây sốc phản vệ và suy tạng.

Chính vì thế, khi trẻ bị ong đốt cần hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong, càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Vết ong đốt cần rửa sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra. Sau đó, đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề khoảng 15-20 phút có thể giúp giảm đau và giảm phù nề.

Trong trường hợp nặng, nên đặt trẻ nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan sang nơi khác, phần bị đốt nên để ở vị trí thấp hơn tim và sau đó nhanh chóng đưa trẻ nhập viện.

Vì vậy, trong trường hợp bị ong đốt gây dị ứng mức độ nhẹ với ít nốt đốt trẻ có thể bôi các thuốc chống dị ứng ngoài da. Trường hợp nặng, trẻ nhỏ và trẻ bị nhiều nốt ong đốt không nên chủ quan mà nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo Phạm Hiền

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/be-3-tuoi-bi-ong-dot-nguy-kich-post606602.html