Bảo vệ người cao tuổi trước vấn nạn lừa đảo

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu mà tội phạm mạng đang hướng tới chính là đối tượng người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo phổ biến. Việc hạn chế về mặt công nghệ, ít tiếp cận thông tin, dễ bị thuyết phục, tài chính có sẵn là những lý do khiến người lớn tuổi đang trở thành mục tiêu của tội phạm mạng.

0

Bà Nguyễn Thị Mai ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cùng một số người cao tuổi khác đã không may bị lừa mất số tiền từ 1-5 triệu đồng vì trót tin lời kẻ gian, mua thực phẩm chức năng giá cắt cổ. Theo lời kể của bà Mai, sát Tết Nguyên đán 2024, có một nhóm 3 người đến mượn nhà bà làm nơi tổ chức sự kiện tặng quà, nhờ bà giới thiệu người đến nghe.

Để dễ thuyết phục, các đối tượng này hứa hẹn chỉ cần đến nghe sẽ được tặng 1 chai dầu ăn và 1 gói mì chính. Sau gần 2 tiếng, bà Mai đã vận động được 15 người già độ tuổi từ 60 đến 80 đến tham dự. Tại nhà bà Mai, kẻ gian giới thiệu một loạt thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp, trí não, tiêu hóa… với cam kết dùng trong 1 tháng sẽ điều trị khỏi hẳn các triệu chứng của bệnh đang mắc phải.

Người cao tuổi hiện đang là mục tiêu của tội phạm mạng. Ảnh minh họa

Để tạo niềm tin, các đối tượng đã lập một trang web với đầy đủ thông tin, hình ảnh sản phẩm, đặc biệt là các hình ảnh, video đánh giá tích cực từ người dùng chứng minh sản phẩm có hiệu quả tốt khi sử dụng. Gần kết thúc buổi giới thiệu sản phẩm, các đối tượng đã tặng cho tất cả những người đến tham dự 1 chai dầu ăn, 1 gói mì chính đúng như cam kết, đồng thời đưa ra mức giá hấp dẫn cho các thực phẩm chức năng từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng tùy từng loại, kèm theo món quà khuyến mại là 1 bộ nồi cao cấp trị giá 800 nghìn đồng gửi đến tận nhà.

Tin lời kẻ gian, bà Mai và nhiều người già khác, mỗi người đã bỏ ra từ 1-5 triệu đồng để mua các thực phẩm chức năng trên và hồ hởi để lại số điện thoại để nhận bộ nồi. Tuy nhiên, đợi mãi chẳng thấy người gọi giao hàng khuyến mại, gọi vào số điện thoại thì thấy không liên lạc được, nghi ngờ bị lừa, bà Mai cùng 1 số người mang các thực phẩm chức năng ra nhà thuốc để hỏi giá thì mới té ngửa khi số thực phẩm chức năng trên chỉ là thuốc bổ trợ và có giá chỉ khoảng trên dưới 100 nghìn đồng.

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo để bán thực phẩm chức năng, các sản phẩm quảng cáo có khả năng hỗ trợ chữa bệnh với giá… trên trời thì nhiều hình thức lừa đảo tài chính khác cũng đang “bủa vây” vào người cao tuổi. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, người cao tuổi hiện thường gặp 15 hình thức lừa đảo thường xuyên như: Lừa đảo “combo du lịch” giá rẻ; lừa đảo công nghệ cao thông qua cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh Công an, kiểm sát viên, cán bộ toà án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo cho số đánh đề… Điều đáng nói là với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm mạng, trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, rất nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tài chính và toàn bộ số tiền mà các cụ tích cóp được trong suốt thời gian dài đã nhanh chóng bị rơi vào túi kẻ gian.

Trước thực trạng người cao tuổi đang trở thành “mục tiêu” của tội phạm mạng, Google đã phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT triển khai chương trình “An toàn lên mạng, an tâm vui sống cùng Google” với các video hướng dẫn người cao tuổi cách nhận biết và phòng vệ trước những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Theo đó, trên kênh YouTube chính thức của Cục An toàn thông tin, video “An toàn lên mạng, An tâm vui sống cùng Google” đã giả lập 3 tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý đối với từng tình huống, bao gồm: Trang web giả mạo, ứng dụng không rõ nguồn gốc, kẻ gian chiếm tài khoản. Cùng với đó, Google đã công bố kết quả khảo sát với hơn 1.248 người dùng Internet Việt Nam về an toàn thông tin trực tuyến. Kết quả khảo sát cho thấy 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Trong đó, nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương với 49% đã từng bị lừa đảo. Về nguyên nhân, top 3 lý do khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến lần lượt là bởi họ không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo chiếm 48%; giao dịch/giải thưởng có vẻ hấp dẫn chiếm 39%, cảm thấy tò mò chiếm 38%.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến hiện đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp. Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này.

Về giải pháp, đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện định danh tài khoản ngân hàng thì Bộ TT&TT xác định việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện Bộ TT&TT đang kêu gọi các tổ chức, các công ty truyền thông, mạng xã hội tăng cường xây dựng các tình huống, các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên các nền tảng khác nhau, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như trẻ em và người cao tuổi.

Tác giả: Hùng Quân

Nguồn: cand.com.vn