Áp lực bủa vây thủy lợi Nghệ An

Hệ thống thủy lợi Nghệ An dày đặc nhưng đa phần xuống cấp, kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng được một phần. Thành thử áp lực quản lý, vận hành luôn đè nặng.

0
Các công ty thủy lợi trên địa bàn Nghệ An được giao quản lý, vận hành 2 hệ thống thủy lợi Bắc và Nam. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An có hơn 1.000 hồ chứa, 423 đập dâng, hơn 700 trạm bơm cùng 2 hệ thống thủy lợi Bắc và Nam phục vụ tưới tiêu cho gần 238.000 ha. Công trình thủy nông dàn trải nhưng kinh phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng rất hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Nút thắt chưa có lời giải khiến các đơn vị quản lý, đặc biệt là các công ty thủy lợi phải oằn mình gồng gánh suốt bao năm qua.

Trên địa bàn Nghệ An có 7 công ty thủy lợi được giao quản lý, vận hành 2 hệ thống chính (thủy lợi Bắc và thủy lợi Nam), 102 hồ chứa lớn, 67 trạm bơm và 245 đập dâng, đảm nhiệm tưới tiêu và cấp nước cho 18 huyện, thành, thị với quy mô 136.885 ha/năm, chiếm đến 57,6%.

Nhiệm vụ đặt ra rất lớn nhưng chính sách áp dụng của Nhà nước chưa cáng đáng nổi, thành thử nhiều đơn vị đang hoạt động… lay lắt. Nguồn thu hiện nay của các Công ty TNHH Thủy lợi MTV chủ yếu đến từ ngân sách cấp hỗ trợ thông qua sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích theo chính sách thủy lợi phí quy định tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/12/2012 và Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày  30/6/2018 của Chính phủ.

Kinh phí đầu tư hàng năm để nâng cấp, sửa chửa, khắc phục cho hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Ảnh: Việt Khánh.

Từ năm 2012 đến nay giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi cơ bản không đổi, đã thế diện tích tưới, tiêu qua các năm, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2022 có xu hướng giảm mạnh, đồng nghĩa nguồn thu rất hạn chế. Để duy trì, bắt buộc các đơn vị phải áp dụng theo hình thức “thắt lưng buộc bụng” nhằm giảm tải tối đa.

Nhận xét về tình hình hiện nay, ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An khẳng định: “10 năm qua xã hội phát triển như vũ bão, giá cả các mặt hàng, sản phẩm không ngừng leo thang, các khoản chi phí trong sản xuất, quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng tăng mạnh theo cơ chế thị trường, ngặt nỗi dịch vụ công ích thủy lợi vẫn giậm chân tại chỗ. Các đơn vị thủy nông gặp nhiều khó khăn trong cân đối nguồn để phục vụ vận hành công trình cũng như thực hiện chế độ cho người lao động”.

Nguồn kinh phí hạn hẹp buộc các công ty thủy lợi phải tuyên truyền, vận dụng sức dân để gia cố, khắc phục sau mỗi lần thiên tai đi qua. Ảnh: Việt Khánh.

Cái khó nữa xuất phát từ điều kiện đặc thù của Nghệ An, vốn dĩ là “khách quen” của mưa bão, giông lốc… tính ra mỗi năm địa phương thiệt hại hàng trăm, có khi cả ngàn tỷ đồng. Trong khi hệ thống thủy lợi trên địa bàn vốn dĩ xây dựng từ lâu, phần nhiều triển khai bằng phương pháp thủ công nên xuống cấp thấy rõ, chung quy khó trụ vững trước thiên tai.

Xin được nêu diễn biến tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tây Bắc Nghệ An để khắc họa chung, doanh nghiệp này được giao quản lý, vận hành 258 công trình, phục vụ tưới tiêu cho hơn 9.700 ha lúa và hoa màu trên địa bàn 3 huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.

Từ ngày 25/9 – 29/9/2023 trên phạm vi phụ trách liên tục xảy ra mưa lớn, riêng huyện Quỳ Châu ghi nhận những con số kỷ lục trong vòng 90 năm trở lại đây. Mưa lớn kéo dài gây lũ ống, lũ quét, bồi lấp, sạt lở đất, làm hư hỏng và cuốn trôi nhiều công trình thiết yếu (hồ chứa Tổng Mọ, thủy lợi Piêng Lâng, thủy lợi bản Cắm, kênh Phai Cu – Kè Lè…).

Nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên không đáp ứng được buộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tây Bắc Nghệ An phải khẩn trương lập danh mục các công trình cần ưu tiên sửa chữa, khắc phục với tổng kinh phí dự kiến 10,2 tỷ đồng.

Trong nỗ lực sớm tháo gỡ các nút thắt, Sở NN-PTNT đã chủ động khâu nối cùng các đơn vị liên quan tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh “tái cơ cấu lại các tổ chức thủy lợi cơ sở”, trọng tâm là doanh nghiệp khai thác công trình để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thủy nông.

Trong năm 2020, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT nâng mức hỗ trợ giá sản phẩm công ích thủy lợi trên địa bàn gấp 1,8 lần so với mức giá cũ. Thực trạng rất cấp bách nhưng mọi thứ vẫn ở chế độ chờ, chậm trễ ngày nào các đơn vị thủy nông khốn đốn ngày đó.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn: nongnghiep.vn