Nghệ An: Tìm giải pháp để du lịch “bắt nhịp” tăng trưởng

Ngành du lịch đóng góp vào GRDP toàn tỉnh còn ở mức khiêm tốn, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, trong đó chi cho mua sắm và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng thấp…

Đây là một trong những nội dung được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII về các vấn đề liên quan đến du lịch đã gợi mở nhiều vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn đưa ngành công nghiệp “không khói” trở thành “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, có một thực tế không thể phủ nhận Nghệ An là địa phương có nhiều nguồn lực tự nhiên và là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú để hút khách du lịch. Thế nhưng việc khai thác các nguồn lực này chưa hợp lý đã hạn chế tiềm năng rất nhiều. Nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc lựa chọn hướng đi phù hợp cho du lịch đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan ban, ngành tỉnh Nghệ An…

Từ những số liệu thống kê…

Đại dịch COVID-19 và tiếp sau đó là những biến động về chính trị, kinh tế trên toàn cầu đã gây ảnh hưởng sâu sắc, tác động nặng nề đến sự phát triển của ngành du lịch Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Mặc dù vậy, những số liệu trong bản báo cáo của Sở Du lịch Nghệ An tại kỳ họp hội đồng lại cho thấy kết quả rất khả quan từ đầu năm đến nay. Cụ thể, năm 2023, dự ước toàn tỉnh đón 8,36 triệu lượt khách du lịch và doanh thu dịch vụ từ lĩnh vực này đạt 7.800.000 triệu đồng, bằng 170% so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19 là năm 2019.

Nói về thành quả đáng mừng nói trên, ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An lý giải: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Nghệ An đã sớm ban hành Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2030. Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch và cùng với sự tham gia của nhiều cấp, ngành, do vậy du lịch Nghệ An đã có bước phát triển tích cực.

Nghệ An cần mở rộng dư địa phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp…

Vị Giám đốc Sở này cũng cho biết thêm, hiện nay các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, Nghệ An đã định vị một số sản phẩm du lịch có thế mạnh, điển hình như: Du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch ẩm thực…

Bên cạnh đa dạng hóa “sản phẩm” thì thị trường khách du lịch từng bước được Nghệ An mở rộng, nhất là thị trường khách nội địa. Hoạt động kinh doanh lữ hành có nhiều tiến bộ, thu hút được một số công ty lữ hành lớn trong nước mở chi nhánh tại địa phương.

Đặc biệt là cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật du lịch được các đơn vị, tổ chức cùng cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương đầu tư phát triển rất bài bản, đồng bộ và hiện đại. Hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch trên địa bàn đã và đang được nâng cấp, hoàn thiện; nhiều đường bay được khai thác từ Cảng hàng không quốc tế Vinh đến sân bay các tỉnh, thành phố có thị trường nguồn khách lớn…

… đến nhìn nhận thực tế

Có thể thấy, ngành du lịch đón nhận nhiều tín hiệu vui khi không những phục hồi mà còn vượt xa kết quả của thời điểm trước đại dịch Covid-19. Thế nhưng, với những biến động liên tiếp xảy ra về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn thế giới trong suốt thời gian vừa qua, nhiều ý kiến lại cho rằng, sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói” ở địa phương này vẫn còn để ngỏ, chưa thể tươi sáng hoàn toàn.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra vào ngày 7/12 vừa qua cũng thể hiện rằng, du lịch Nghệ An vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Cụ thể, ngành du lịch đóng góp vào GRDP toàn tỉnh còn ở mức khiêm tốn, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, trong đó chi cho mua sắm và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng thấp. Sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn.

Phố biển Cửa Lò đang khoác trên mình “chiếc áo mới”, hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn đưa du lịch Nghệ An phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới

Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng lại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, thiếu điểm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ trọng yếu. Các dịch vụ y tế, viễn thông, điện, nước… tại các trọng điểm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khác mùa cao điểm. Tiến độ một số dự án trọng điểm du lịch thì gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm và cầm chừng.

Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về du lịch có mặt chưa bao quát hết phạm vi địa bàn, đôi lúc vẫn để xảy ra tình trạng chèo kéo, gây phiền hà cho khách du lịch; công tác an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thì chưa được đảm bảo; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp…

Cũng tại kỳ họp hội đồng, bà Phan Thị Minh Lý – Đại biểu huyện Yên Thành đã chỉ ra những nguyên nhân khiến du lịch Nghệ An chưa phát huy được hết tiềm năng, đó là bởi công tác phát triển sản phẩm du lịch và thu hút đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn còn hạn chế.

Còn bà Lê Thị Kim Chung, huyện Quỳnh Lưu thì lại cho rằng, du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng xã hội hóa cao và vấn đề liên kết phối hợp là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc liên kết các sở, ngành, chính quyền địa phương với ngành du lịch còn bất cập. Do vậy, Sở Du lịch Nghệ An cần có giải pháp giải quyết bài toán liên kết trong phát triển du lịch trong thời gian tới.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn