Nghệ An có 2 con voi rừng chết năm 2023, đàn voi có nguy cơ bị xóa sổ

Năm 2023, Nghệ An phát hiện 2 con voi rừng chết. Đàn voi vốn đã ít ỏi lại ngày càng mai một và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

2 mẹ con voi rừng xuất hiện ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) vào sáng 24.10.2022. Ảnh: Quang Đại

Voi chết chưa xác định nguyên nhân

Ngày 10.10 trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An – cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân con voi rừng tại huyện Thanh Chương chết.

“Cơ quan chức năng đã lấy mẫu từ xác voi, gửi đi Hà Nội xét nghiệm, đến nay chưa có kết quả, nên chưa xác định được nguyên nhân voi chết. Tuy nhiên, nhận định ban đầu không phải do bị bắn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo đó, vào khoảng 10h ngày 7.10, tại khu vực rừng trên địa bàn xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương), người dân địa phương phát hiện một con voi đực đã chết. Tại hiện trường, một phần cơ thể voi đã phân hủy, một số cây cối xung quanh bị đổ ngã; nhưng cặp ngà voi vẫn còn nguyên.

Ngày 16.2, từ thông tin của người dân, cơ quan chức năng phát hiện 1 con voi chết trên địa bàn xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu). Con voi bị chết khoảng 70 tuổi, là voi cái, được xác định chết do tuổi già.

Trước đây, trên địa bàn huyện Quỳ Châu chỉ còn 2 con voi rừng (là 2 mẹ con, đều là voi cái), thỉnh thoảng xuất hiện gần nơi người dân sinh sống tại xã Châu Phong tìm thức ăn, phá hoa màu của dân. Người dân phải sử dụng loa phóng thanh và các dụng cụ phát ra âm thanh lớn để xua đuổi voi.

Với cái chết của 2 con voi từ đầu năm đến nay, đàn voi rừng ở Nghệ An ngày càng giảm sút. Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, toàn tỉnh hiện có khoảng 15 cá thể voi hoang dã, được chia thành 5 đàn; trong đó, có 3 đàn đơn lẻ, chỉ có 1 cá thể.

Tại Vườn quốc gia Pù Mát và vùng phụ cận có từ 10 – 13 cá thể phân bổ ở 3 khu vực. Cụ thể, khu vực phía Bắc của Vườn Quốc gia Pù Mát có 1 đàn từ 2- 3 cá thể voi trưởng thành hoạt động ở vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào thuộc địa bàn huyện Tương Dương, trong mấy năm gần đây không có thông tin về đàn voi này. Khu vực Khe Kèm có 1 cá thể voi trưởng thành. Còn khu vực Cao Vều có 1 đàn từ 8 – 9 cá thể. Đây là đàn voi tốt nhất của Nghệ An và là đàn có khả năng phát triển vì trong đàn có voi con.

Hai cá thể đơn lẻ còn lại, 1 phân bố tại xã Bắc Sơn thuộc huyện Quỳ Hợp và cá thể còn lại phân bố tại xã Châu Phong và Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu).

Phương án phát triển đàn voi còn bế tắc

Sự phát triển của đàn voi rừng ở Nghệ An không có dấu hiệu khả quan. Giai đoạn 2012 – 2017, phát triển thêm được 2 cá thể voi con tại đàn voi Cao Vều. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng không ghi nhận thêm trường hợp nào.

Theo ghi nhận thực tế, tại một số địa phương, voi rừng thỉnh thoảng xuất hiện, phá hoa màu của dân. Nguyên nhân, theo ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát – là do địa bàn sinh sống của voi bị con người làm ảnh hưởng.

Vấn đề nan giải nhất của đàn voi Nghệ An là thiếu voi đực để giao phối, sinh sản, tăng đàn. Tổng số có khoảng 14 con voi nhưng chia thành nhiều đàn, các đàn không thể tiếp cận, nhập với nhau do địa hình cách trở, chỉ 1 đàn ở Anh Sơn có voi đực. Tuy nhiên, từ năm 2013 – 2022, tổng đàn voi của tỉnh Nghệ An vẫn dừng lại ở con số 16, và đến nay chỉ còn lại 14 con.

Bảo tồn, phát triển đàn voi rừng là vấn đề tỉnh Nghệ An rất quan tâm. Đã có rất nhiều cuộc họp bàn, tính đủ mọi cách, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng giải pháp để những con voi rừng có thể hợp đàn, kết đôi sinh sản hiện vẫn bế tắc.

Theo bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, phương án di chuyển, hợp đàn voi rất khó thực hiện, vì thực tế đã có địa phương di chuyển voi rừng về nơi mới, nhưng các lần di chuyển đều thất bại do voi không hòa nhập được.

Mặt khác, việc di chuyển voi rừng rất phức tạp, thường phải sử dụng phương án bắn thuốc mê để chuyển voi. Việc bắn thuốc mê, vận chuyển voi rất khó khăn, có thể gây nguy hiểm cho voi.

Trước những khó khăn nói trên, hiện nay Nghệ An vẫn chưa tìm ra phương án nào hữu hiệu để đàn voi rừng sinh sản.

Từ năm 2013 – 2020, Nghệ An triển khai dự án khẩn cấp bảo vệ đàn voi với tổng dự toán gần 87 tỉ đồng nhưng đến năm 2020 kinh phí mới được cấp chỉ có gần 22 tỉ đồng, nên dự án còn dở dang, chưa đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn