8 năm nữa mới có ngày 30 Tết Nguyên đán, vì sao?
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phải đến Tết Nguyên đán Nhâm Tý 2032, người Việt Nam mới được đón giao thừa vào đêm 30 Tết
Thông tin này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội thời gian gần đây và được người dân rất quan tâm. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi phải chờ tới 8 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết Nguyên đán. Còn lại, thời điểm đón Giao thừa sẽ là ngày 29 tháng Chạp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 28-1 về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Phương, Thành viên Ban Chủ nhiệm Hội Thiên văn học Hà Nội, cho biết Lịch âm là lịch dựa trên chuyển động của mặt trăng, xuất phát từ lịch nông nghiệp lâu đời của các nước phương Đông, dùng để tính mùa vụ và dựa hoàn toàn theo chuyển động của mặt trăng.
Một tháng Âm lịch được tính từ thời điểm trăng sóc (những ngày không trăng, xuất hiện khi mặt trời, mặt trăng và trái đất thẳng hàng, mặt trăng ở giữa) của tháng này đến trăng sóc tháng sau (hay còn gọi là điểm sóc).
Ông Phương cũng lý giải tại sao lại có tháng Âm lịch 29 ngày, có tháng 30 ngày. Điều này là do bản chất thời gian một tháng trăng không đồng đều giữa các tháng, trung bình vào khoảng 29, 53 ngày, có tháng kéo dài hơn và có tháng ngắn hơn.
Nguyên nhân là do mặt trăng quay xung quanh trái đất không phải một hình tròn hoàn hảo mà là 1 hình elip, và trái đất quay xung quanh mặt trời cũng vậy. Chính vì quỹ đạo phức tạp của 2 hình elip đan xen vào nhau khiến cho quãng đường để hoàn thành một tháng trăng sẽ có sự sai khác chứ không đồng nhất, nên trên thực tế chúng ta vẫn có khái niệm tháng thiếu (29 ngày), tháng đủ (30 ngày), có chuyện tháng thiếu tháng thừa.
Sau 8 năm nữa mới có ngày 30 Tết Nguyên đán
Đối với việc 8 năm không có ngày 30 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), ông Phương cho rằng không phải là hiện tượng thiên văn hay hiện tượng thần bí gì đặc biệt, nó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ở một mức độ hiếm.
Theo ông Hoàng Quốc Phương, trong một năm, có nhiều tháng âm lịch 29 ngày thì việc 8 năm liền tháng 12 Âm lịch thiếu ngày cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra về mặt xác suất.
“Mấu chốt của vấn đề này là thời điểm xuất hiện điểm sóc thay đổi liên tục và không phải lúc nào cũng rơi vào lúc 12 giờ cho chẵn ngày. Điểm sóc này rơi vào một giờ bất kì tùy vào vị trí tương đối của mặt trời, mặt trăng và trái đất có thẳng hàng hay không. Trong khi vị trí 3 thiên thể thẳng hàng lại bị biến động bởi quỹ đạo elip, còn nếu quỹ đạo tất cả hình tròn thì tháng nào cũng giống nhau”- ông Phương lý giải thêm.
Thành viên Ban Chủ nhiệm Hội Thiên văn học Hà Nội cho biết thêm lịch mặt trời hay còn gọi là dương lịch được tính dựa trên thời tiết khí hậu trong 1 năm và nó dựa trên chuyển động của mặt trời trên đường hoàng đạo, do ít chịu sự sai lệch do chuyển động phức tạp elip nên sự sai lệch trong 1 năm của dương lịch chỉ vào khoảng 1/4 ngày. “Trong khi âm lịch sai lệch lên đến hơn 10 ngày trong 1 năm. Chính vì vậy cứ 4 năm dương lịch thì chỉ nhuận 1 ngày còn 3 năm âm lịch lại nhuận thêm 1 tháng”- ông Phương cho hay.