Cảnh báo bị đột quỵ khi chơi thể thao quá sức

Chơi thể thao là nhu cầu thiết yếu của rất nhiều người để rèn luyện sức khỏe. Song, có nhiều người không biết mình mắc bệnh nền về mạch máu não, có tiềm tàng về viêm cơ tim, khi vận động quá sức đã dẫn tới đột quỵ.

0

Hoặc có người ham mê thể thao, chơi quá gắng sức, đẩy tim hoạt động lên quá cao, dẫn tới suy tim cấp và đột qụy. Rất nhiều người bị chấn thương thể thao nhưng không đến viện ngay mà để kéo dài vài tháng, vài năm, khi đến viện thì đã muộn.

Tim hoạt động quá tải dẫn tới đột quỵ

Trong vài năm gần đây, số ca nhập viện để điều trị đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng, từ 1,7% lên tới 2,5%, với tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20 và thậm chí là trẻ hơn, chiếm tới 1/3 các trường hợp đột quỵ. Đặc biệt, đã có một số trường hợp bị đột quỵ khi đang tập luyện thể thao khiến nhiều người lo lắng.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khám cho anh Đ.V.T, người có chân phải bị yếu và teo nhỏ hơn do đến viện muộn.

Điển hình là trường hợp nam sinh 15 tuổi ở Lạng Sơn đang chơi thể thao tại trường thì bất ngờ ngất xỉu, sau đó ngừng tim. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho hay nam sinh có tiền sử mắc bệnh tim, khi được đưa vào viện chẩn đoán đột quỵ, đã tử vong ngoại viện. Hay cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng đã bị đột quỵ khi đang thi đấu tranh cúp vì nhồi máu cơ tim…

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên của bệnh viện cho biết, đột quỵ khi chơi thể thao có 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất xảy ra trên người có bệnh lý nền mà không biết, hay gặp ở người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết.

Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình. Ví dụ, những người này chỉ có khả năng chạy được 5km, sau tập luyện đẩy lên 10km, 20km, nhưng họ lại cố gắng chạy 50km, thậm chí 100km… nên không phù hợp. “Cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng phải đòi hỏi có quá trình tập luyện và thích nghi lâu dài. Nếu thúc đẩy nhanh quá trình đó cơ thể dẫn tới quá tải, quả tim bị suy không cung cấp đủ máu, phổi phải hoạt động liên tục mới trao đổi được oxy.

Tim chỉ khoảng 90 nhịp/phút, nếu đẩy lên 180-200 nhịp/phút là quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ”, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói. Theo ông, biến chứng nặng nhất của người chơi thể thao mà bệnh viện hay gặp là suy tim cấp và đột quỵ. Vì vậy, người bình thường nhịp tim có thể 70-90 nhịp/phút. Người mới chơi thể thao sẽ đẩy nhịp tim lên cao, sau trở lại bình thường. Người chơi thể thao chuyên nghiệp nhịp tim chậm lại chỉ 60-70 nhịp/phút. Người chơi môn chạy cần có phương tiện đi kèm để đo nhịp tim, không được để nhịp tim lên cao quá, chỉ đến 120 là phù hợp.

BS Khánh khuyến cáo: Môn thể thao nào cũng phải phù hợp với độ tuổi, những môn thể thao đòi hỏi vận động lớn như bóng đá, chạy đường dài chỉ ưu tiên lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở người tuổi cao hơn có thể đi bộ, đạp xe, bơi. Đặc biệt khi chơi không nên tăng nặng ngay. Ở môn chạy cần khởi động kỹ, bắt nhịp tăng dần để quả tim bóp cần có quá trình thích nghi.

Xương bị thoái hóa như người 70 tuổi

Đang điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên, bệnh nhân Đ.V.T (36 tuổi, Bắc Ninh) cho biết, cách đây 2,5 tháng, anh chơi đá bóng và trong lúc nhảy lên đỡ bóng, khi tiếp đất thì nghe tiếng “tách” ở chân phải kèm theo cảm giác đau buốt. Do vẫn đi lại bình thường nên anh không đi khám.

Một thời gian sau, mỗi lần vận động mạnh anh thấy đau buốt cổ chân nên mới tới bệnh viện tuyến tỉnh để thăm khám. Tại đây anh được tư vấn tập phục hồi chức năng cho ổn định, nhưng vẫn không cải thiện và được giới thiệu lên Bệnh viện Việt Đức. Anh được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước và rách sụn, sau đó các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật nội soi.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, đây là trường hợp vào viện điều trị muộn. Do muộn nên chân phải của bệnh nhân dù đã được phẫu thuật, song có dấu hiệu teo nhỏ hơn chân trái, bên chân bị chấn thương cũng mất cơ và yếu, khó khăn khi gồng. Hiện bệnh nhân được chỉ định tập phục hồi chức năng sau ra viện.

Gần đây Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó gặp nhiều ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Môn thể thao hay gặp là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, đấm bốc, boxing, golf, chạy bộ, đi xe đạp, tập yoga, erobic và những môn đối kháng như vật… Tuy nhiên, đa số các ca chấn thương thể thao đến viện muộn, có người bị chấn thương 3 tháng, vài ba năm, thậm chí đi khám khắp nơi, chữa thuốc nam, đắp lá, chườm lạnh… làm bệnh càng nặng hơn, để lại những biến chứng đáng tiếc.

Phần lớn các trường hợp tới viện muộn đều phải phẫu thuật và điều trị phục hồi chức năng lâu dài, nhưng cũng có người để lại hậu quả trở thành mãn tính, khó phục hồi. PGS Khánh cũng cảnh báo, ông đã gặp nhiều trường hợp thanh niên chỉ 25-26 tuổi khi đến khám xương khớp đã như người 70-80 tuổi.

Hay gặp nhất là những thanh niên bị chấn thương ở khớp gối và khớp cổ chân, biết có tổn thương nhưng không khám và quá ham chơi thể thao, hoặc cố chạy với khớp lỏng lẻo, tăng nặng viêm, thoái hóa và tăng tiết dịch. Thậm chí có người chấn thương nhưng vẫn cố mua băng bó gối để chạy tiếp. Những trường hợp trên tiên lượng sau này gặp thoái hóa sớm, đau nhiều, dễ dàng biến dạng chi dẫn đến chân cong, không duỗi được hết gối hoặc không gấp được gối.

PGS Khánh khuyến cáo, không phải trường hợp bị chấn thương thể thao nào đến viện cũng phải phẫu thuật. Nếu phát hiện sớm hoặc mức độ tổn thương vừa phải, đến 80-90% không phẫu thuật, mà điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng…

Vì vậy, khi người bệnh có những biểu hiện đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị. Đặc biệt, người bệnh không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.

Để hạn chế những nguy cơ về chấn thương thể thao và tới viện sớm để được chẩn đoán, điều trị đúng cách, từ 7 giờ 30 -16 giờ ngày 25/6, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức sẽ khám và tư vấn miễn phí các bệnh về chấn thương thể thao. Người dân có thể đăng ký khám qua tổng đài CSKH 19001902 của Bệnh viện Việt Đức.
Theo Trần Hằng/CAND

 

Link gốc:  https://cand.com.vn/y-te/canh-bao-bi-dot-quy-khi-choi-the-thao-qua-suc-i657533/