Xử lý, ngăn chặn triệt để vi phạm xâm lấn kênh thuỷ lợi

Hệ thống kênh mương thuỷ lợi chính là mạch máu cung cấp nguồn sống cho những mùa vụ bội thu. Nếu hệ thống kênh mương thuỷ lợi bị xâm hại, cản trở dòng chảy sẽ gây ảnh hưởng đến tưới tiêu, chất lượng mùa vụ. Vì vậy, ngoài việc xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm xâm lấn kênh thuỷ lợi, cần phát hiện và ngăn chặn các vi phạm mới.

0

Nhiều vi phạm xâm lấn kênh thuỷ lợi

Cuối tháng bảy, trên các cánh đồng lúa ở Hưng Nguyên đã bắt đầu rục rịch chuyển mình cho một mùa vụ mới. Thời gian này, nắng nóng đã kéo dài khá lâu, có những ngày trên 37-38 độ C khiến mực nước ở các kênh mương, hồ đập đã bắt đầu sụt giảm. Song, nhờ hệ thống kênh mương thuỷ lợi vận hành điều tiết nước kịp thời nên vẫn đảm bảo tiến độ mùa vụ. Các cánh đồng ở các xã Hưng Thông, Hưng Tân, Long Xá… cũng vậy, nhờ có kênh thuỷ lợi 12/9 đảm bảo tưới tiêu cho một vùng rộng lớn mà mùa màng nơi đây hầu như được giữ ổn định. Kênh thuỷ lợi 12/9 là kênh bơm chuyền giúp chuyển tiếp nước từ sông Lam lên các cánh đồng thông qua 2 trạm bơm Bãi Cát và Chợ Thông. Lượng nước kênh 12/9 chuyển tiếp giúp cung cấp nước khi hạn hán, tiêu nước khi mưa lũ phục vụ sản xuất mùa màng cho hơn 140ha đất sản xuất nông nghiệp của các xóm trên địa bàn xã Hưng Thông như các xóm Hồng Hà, Hồng Lĩnh, Hồng Thái, các xóm khác ở xã Hưng Tân, xã Long Xá… Ngoài ra, kênh 12/9 còn nối với Kênh T3 để mở rộng phạm vi phục vụ tưới tiêu cho những cánh đồng khác trên địa bàn vùng phía Nam của huyện Hưng Nguyên. Vì vậy, trên chiều dài tuyến kênh 12/9 ngoài đấu nối các trạm bơm thuỷ lợi thì còn đặt nhiều cống xả lũ để đảm bảo chức năng tưới tiêu.

Kênh thuỷ lợi 12/9 (bên phải) đoạn qua xã Hưng Thông Hưng Nguyên có 22 ki ốt xây dựng trái phép trong phạm vi an toàn kênh. Ảnh: Hoài Thu

Cũng vì tầm quan trọng này, nếu kênh 12/9 bị cản trở dòng chảy sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất mùa màng của nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương. Ông Bùi Lê Duẩn – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết, hiện nay, ngay tại 2 bên cống xả lũ của kênh 12/9 đoạn trước UBND xã Hưng Thông nối với kênh Lê Xuân Đào đang có nhiều nhà cửa, ốt quán của người dân lấn chiếm lòng kênh nhiều năm. Tại vị trí này, ngoài sự cản trở của các cọc bê tông kiên cố cắm xuống lòng kênh thì còn có nhiều cây bụi, cỏ mọc chen chúc tràn xuống kênh khiến một đoạn dài có nguy cơ bị ách tắc.

Đối với việc vi phạm hành lang an toàn của kênh 12/9, từ đầu những năm 2000 đã xảy ra việc các hộ dân ở Hưng Thông làm ki ốt lấn chiếm kênh để buôn bán. “Tình trạng này kéo dài từ năm 2000 đến nay, chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa giải toả được do vướng một số khó khăn, bất cập. Một số hộ dân đã chấp nhận giải toả với mức hỗ trợ nhất định, nhưng còn nhiều hộ chưa chấp nhận dù xã đã xây các ki ốt kinh doanh ở chợ Hưng Thông để di dời các hộ có ốt lấn chiếm kênh 12/9 ” – ông Bùi Lê Duẩn cho biết.

22 ốt quán xây dựng trái phép trên Kênh 12/9 ở Hưng Thông Hưng Nguyên gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng tưới tiêu thuỷ lợi. Ảnh chụp ngày 3/8/2022. Ảnh: Hoài Thu

Ông Duẩn cũng cho biết thêm, tuy chưa giải toả được 22 ki ốt lấn chiếm kênh thuỷ lợi 12/9 do lịch sử để lại, nhưng vào tháng 7/2022 có 4 trường hợp có hành vi dựng ốt quán lấn chiếm kênh 12/9 được người dân và chính quyền đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cụ thể, có 3 hộ dựng ốt quán trên bờ kênh nay lại tiếp tục đã tập kết nguyên vật liệu và hàn mái tôn lấn ra hành lang an toàn giao thông; có 1 hộ tập kết các cọc sắt để chuẩn bị lót ván làm nền để dựng ốt cũng đã được phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chấm dứt hành vi lấn chiếm hành lang an toàn của kênh thuỷ lợi 12/9.

Nếu như ở Hưng Thông, từ năm 2019 đến nay chính quyền đã và đang nỗ lực ngăn chặn được các trường hợp vi phạm mới về lấn chiếm kênh thuỷ lợi, thì ở xã Đô Thành huyện Yên Thành tình trạng vi phạm vẫn diễn ra nhức nhối với chiều hướng gia tăng. Những vi phạm như làm nhà ở, xây dựng ốt quán trong phạm vi bảo vệ của kênh thuỷ lợi Vách Bắc đoạn qua xã Đô Thành đã diễn ra từ năm 2017. Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành thì từ 83 hộ vi phạm năm 2017, đến năm 2022 con số đó đã tăng lên 238 hộ.

Hệ thống kênh tiêu lũ Vách Bắc ở huyện Yên Thành được xây dựng từ những năm 1980, dài trên 20 km, chảy từ Yên Thành ra Lạch Vạn (Diễn Châu). Hệ thống kênh thuỷ lợi này làm nhiệm vụ thoát lũ cho vùng 8 xã Tây Bắc huyện Yên Thành và trên 250 km2 diện tích đất nông nghiệp và dân sinh, trong đó có 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Diễn Châu, Yên Thành. Kênh Vách Bắc là vành đai chống úng quan trọng cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp của 2 huyện Yên Thành, Diễn Châu. Cũng đồng nghĩa với việc nếu hệ thống dòng chảy của kênh Vách Bắc bị ảnh hưởng, xâm lấn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một vùng rộng lớn của hai huyện Yên Thành, Diễn Châu.

Các hộ dân ở xã Đô Thành (Yên Thành) lấn chiếm làm nhà trái phép trên kênh Vách Bắc từ đầu năm 2020. Ảnh tư liệu Nguyễn Vũ

Và thực trạng đáng buồn là những tháng đầu năm 2022, vẫn xảy ra việc lấn chiếm, vi phạm xâm lấn kênh Vách Bắc. Gần đây nhất, ngày 3/5/2022, hộ ông Nguyễn Tiến Đạt ở xóm Gia Mỹ, xã Đô Thành và 8 trường hợp khác vừa bị UBND xã Đô Thành lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đào móng, lắp dựng cốt pha, đổ bê tông móng bờ kè, xây dựng cầu trái pháp luật trên đất mái trong kênh Vách Bắc đoạn qua xã Đô Thành. Từ 01/01/2022 đến 25/6/2022, UBND xã Đô Thành đã ban hành 09 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ lợi, trong đó có hộ ông Nguyễn Tiến Đạt và nhiều hộ khác cũng có hành vi vi phạm tương tự như các hộ Phạm Văn Lành, Lê Văn Thuỷ, Hồ Văn Tư, Hoàng Quốc Hương, Võ Thị Liên…

Cần xử lý dứt điểm, ngăn chặn vi phạm mới

Những vi phạm xâm lấn kênh mương thuỷ lợi không chỉ làm ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chấp hành chính sách, pháp luật của người dân địa phương, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước khi các vi phạm không những chưa xử lý được, mà còn tiếp tục vi phạm mới như ở Đô Thành. Cũng chính vì vậy, việc chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm về bảo vệ an toàn các công trình thuỷ lợi luôn được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Gần đây nhất là Văn bản 5057/UBND-NN, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngoài triển khai mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về thủy lợi, còn tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Một số biên bản xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã Đô Thành đối với công dân xây dựng công trình trái phép trên kênh Vách Bắc. Ảnh: HT

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, quý II năm 2022, tuy tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ an toàn các công trình thuỷ lợi có chiều hướng giảm, song vẫn còn nhiều vụ việc vi phạm trong những năm gần đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ví như xây dựng nhà trong phạm vi bảo vệ sông Vinh ở TP Vinh; việc các hộ dân lấn chiếm và xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ Công trình kênh tiêu Vách Bắc và Kênh N18A trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành… Hoặc như ở huyện Quỳnh Lưu, thời gian gần đây xí nghiệp Thuỷ lợi huyện cũng đã phát hiện 23 “điểm đen” là các tuyến kênh mương thuỷ lợi bị xả rác thải làm ứ đọng dòng chảy, ảnh hưởng đến tưới tiêu mùa vụ.

Lãnh đạo Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An cho biết, năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thành lập 05 đoàn công tác thực hiện thanh tra và kiểm tra chuyên ngành, gồm 3 cuộc thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai; 2 cuộc kiểm tra đột xuất về việc chấp hành pháp luật về đê điều trên trên tuyến đê Tả Lam đoạn đi qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, và đoạn đi qua phường Bến Thủy thành phố Vinh. Đối với thanh tra chuyên ngành, trong quý II năm 2021, Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã thực hiện thanh tra tại Thủy lợi tại Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, thời kỳ thanh tra từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra. Kết quả cho thấy, tổng số vụ vi phạm tồn đọng từ trước ngày 31/12/2017 là 369 vụ, trong đó đang xử lý 23 vụ, 364 vụ chưa xử lý được.

Trên địa bàn toàn tỉnh, tính đến ngày 15/12/2021, số vụ vi phạm về bảo vệ an toàn các công trình thuỷ lợi được phát hiện là 286 vụ, đã xử lý 13 vụ việc. Trong Quý II/2022, số vụ vi phạm về bảo vệ an toàn các công trình thuỷ lợi được phát hiện trên toàn tỉnh là 85 vụ, đã xử lý 68 vụ.

Thông qua kiểm tra, xử lý vi phạm cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là xả nước thải sinh hoạt vào công trình thủy lợigây cản trở dòng chảy của công trình thuỷ lợi, trồng cây trên bờ kênh, xây hàng rào, xây nhà và các công trình khác trong phạm vi bảo vệ kênh mương thuỷ lợi. Cũng qua nắm bắt tình hình vi phạm, cơ quan chức năng cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vi phạm là do một số công trình thủy lợi nằm gần sát với khu dân cư, cộng với ý thức của người dân chưa cao; địa phương chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm chưa đồng bộ. Một số vi phạm như ở kênh tiêu Vách Bắc và Kênh N18A xã Đô Thành… chưa được giải quyết triệt để do lịch sử để lại, và do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, dù nhiều vi phạm xuất phát từ các nguyên nhân khó giải quyết, do lịch sử để lại hay do quy định của pháp luật, do nguồn lực hạn chế… thì các cấp ngành cũng cần có những kiến nghị, giải pháp cụ thể để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc vi phạm. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo về “Quy định phân cấp quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và điểm giao nhận dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi; đê điều; phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt…

Huyện Quỳnh Lưu dọn rác thải bị xả làm ứ đọng, ách tắc các tuyến kênh thuỷ lợi. Ảnh tư liệu Quang An.

Khi các văn bản này được thông qua, sẽ tạo thêm các hành lang pháp lý để các cấp ngành tăng cường hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm trong bảo vệ an toàn các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, giữ được thông suốt các “mạch máu” nuôi dưỡng những cánh đồng cho mùa vụ bội thu.

Theo Hoài Thu

Link gốc: https://baonghean.vn/xu-ly-ngan-chan-triet-de-vi-pham-xam-lan-kenh-thuy-loi-post257279.html